Điểm sáng trong xuất khẩu
Trong tháng 4 kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư… đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng tăng 10,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2022 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12 tỷ 460 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt 3,9 tỷ USD..
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong tháng 4/2022 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 736,2 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 277,8 triệu USD, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, 4 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút 22.950 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, 2 tỷ 341 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2021 của Bình Dương đạt 69,61 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục là địa phương đứng đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ.
Ước thu mới ngân sách đạt 5.600 tỷ đồng; lũy kế 4 tháng thu đạt 23.400 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ, đạt 39% dự toán HĐND tỉnh. Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 1.400 tỷ đồng; lũy kế 4 tháng chi đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ, đạt 23% dự toán HĐND tỉnh.
Tổng vốn huy động trong tháng ước đạt 278 ngàn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với đầu năm. Tổng dư nợ ước đến cuối tháng đạt 279 ngàn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 10% so với đầu năm. Nợ xấu là 1.500 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ.
Nhìn chung, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Dương đang từng bước phục hồi, với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng của Bình Dương như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Bình Dương như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may... có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, nhiều doanh nghiệp (DN) tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn, đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.
Bên cạnh đó, việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực cũng tạo lợi thế cho DN trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh trong việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Dương
Đẩy mạnh hỗ trợ an sinh cho người lao động
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Chỉ số phát triển con người (HDI) tỉnh Bình Dương năm 2020 đạt 0,736 thuộc nhóm 2, đứng thứ 12 cả nước.
Ngoài ra, trong tháng 4, tỉnh đã tư vấn việc làm cho 11.560 người; có 6.600 người nhận được việc làm. Tỉnh cũng tập trung công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các bệnh truyền nhiễm thông thường và khám, chữa bệnh cho người dân; khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 cho người trên 18 tuổi, tiêm mũi 4 cho các đối tượng ưu tiên và trẻ em từ 5-11 tuổi ngay sau khi được phân bổ đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Về các hoạt động trong dịp lễ, tỉnh đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm Lễ Giổ tổ Hùng Vương (mùng 10/3), ngày Giải phóng miềm Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (01/5); phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” và triễn lãm, trưng bày thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ của tỉnh.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế và hỗ trợ an sinh cho người lao động, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… căng thẳng xung đột Nga - Ukraine cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu…
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, UBND Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả với Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 -2023. Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về: thu hút nguồn lao động, vốn đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị…
Đồng thời, quan tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khẩn trương phối hợp thực hiện các bước lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai các thủ đầu tư dự án đầu tư Vành đai 3 (sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư), đường Mỹ Phước -Tân Vạn. Tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai các bước thực hiện dự án: Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây…
Song song đó, Bình Dương kịp thời triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Hoàng Thu