Đề án 06/CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 là đề án liên quan đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án 06/CP là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử vào phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho đất nước.
Sau hai năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh đã cấp Căn cước công dân cho 100% số người dân đủ điều kiện, là một trong 19 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ. Đến giữa tháng 8/2023, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ kích hoạt tài khoản Định danh điện tử theo chỉ tiêu Chính phủ giao hơn 1,2 triệu tài khoản. Đến nay tỉnh đã kích hoạt hơn 1,6 triệu tài khoản Định danh điện tử, đạt tỷ lệ 133% và hiện đứng thứ 5 trên toàn quốc; toàn tỉnh đã cấp được 43.550 chữ ký số. Ở nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến nay đã có hơn 250.000 hồ sơ sức khỏe được tạo lập.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng đã được thực hiện một cách hiệu quả, khi tỉnh Bình Dương đã hoàn thành cung cấp 25 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mở ra cơ hội cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Ngoài ra, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã đạt được những kết quả đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã chi trả không dùng tiền mặt cho hơn 31.000 đối tượng người có công, đồng thời đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều cơ sở y tế và giáo dục trên địa bàn.
Việc kết nối dữ liệu và giám sát thông minh cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý và điều hành hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh. Tính đến hiện tại, tỉnh đã thực hiện kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và tổ chức, tạo ra các chỉ số điều hành và thống kê để hỗ trợ quyết định.
Việc áp dụng công nghệ thông tin và số hóa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tỉnh Bình Dương, từ việc cải thiện quản lý hành chính đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng trong sự phát triển toàn diện của Bình Dương.
Vân Nguyễn