Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thành phố mở từng bước, thận trọng

16:23 29/09/2021

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, bởi nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vẫn còn.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội là thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Theo Bí thư Hà Nội, khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu, đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Từ giữa tháng 7/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh.

Trước tình hình đó, thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24/7. Tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1. Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15/9. Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16/9, đến ngày 21/9 tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28/9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), cho mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

"Sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của COVID-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế. Tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang" Bí thư Hà Nội cho biết. 

  Gần 1 tháng cách ly tập trung, người dân ổ dịch Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đã trở về nhà.

Theo Bí thư Hà Nội, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.

Ngay từ khi thực hiện phong tỏa, thành phố đã chỉ đạo bổ sung 500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhờ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố đã thu được một số kết quả khả quan như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý trước (quý I tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy chung tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức chung của cả nước (5,64%); 8 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đạt 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp cũng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020...

"Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch" - Bí thư Hà Nội cho hay.

Thường trực Thành ủy cũng đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp.

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

PV