BIDV, Vietcombank và VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, trong đó điểm đáng chú ý là số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này tăng mạnh so với các quý trước.
BIDV - ngân hàng thường xuyên nhận lượng tiền gửi lớn nhất từ Kho bạc Nhà nước - ghi nhận số dư đến cuối năm 2024 đạt 145.266 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 143.906 tỷ đồng, còn lại 1.360 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Đáng chú ý, trong quý trước đó, số dư tiền gửi của Kho bạc tại BIDV giảm xuống dưới 75.000 tỷ đồng.
Bất ngờ với lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV, Vietcombank, VietinBank |
VietinBank đứng thứ hai với 144.771 tỷ đồng tiền gửi thanh toán, tăng gần 7 lần so với cuối năm 2023. Chỉ tính riêng quý IV/2024, số dư này đã tăng thêm 79.461 tỷ đồng so với mức hơn 65.000 tỷ đồng của quý trước.
Trong khi đó, Vietcombank có số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước thấp nhất trong ba ngân hàng, đạt 76.665 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. So với quý trước, con số này đã tăng mạnh từ mức hơn 35.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ đạt 770 tỷ đồng.
Tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ba ngân hàng quốc doanh này hiện đạt hơn 367.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 115.000 tỷ đồng trong quý liền trước. Trong khi đó, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết cho quý IV/2024. Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền tại các ngân hàng thương mại để tối ưu hóa nguồn vốn nhàn rỗi. Đây là nguồn tiền hấp dẫn mà nhiều ngân hàng mong muốn tiếp cận, nhưng không phải ngân hàng nào cũng đủ điều kiện. Trước đây, phần lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng là tiền gửi không kỳ hạn, với số dư duy trì ở mức hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, chính sách mới quy định tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, các ngân hàng muốn nhận tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước phải tham gia đấu thầu công khai. Dù vậy, các ngân hàng quốc doanh vẫn chiếm ưu thế do nguyên tắc "chọn mặt gửi tiền", đảm bảo sự ổn định và an toàn cho dòng vốn khổng lồ này. Việc cơ cấu lại tiền gửi của Kho bạc Nhà nước theo hướng giảm tiền gửi không kỳ hạn và tăng tiền gửi có kỳ hạn không chỉ giúp tối ưu hóa dòng tiền mà còn góp phần ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.