Bất động sản công nghiệp: Tăng trưởng từ góc nhìn ngành sản xuất ô tô

00:00 12/10/2020

Theo CBRE, nhiều thỏa thuận thuê đất công nghiệp và thương mại lớn liên quan đến ngành công nghiệp ô tô đã đạt được trong 3 năm qua và thị trường đang ghi nhận nhu cầu thuê thêm cho giai đoạn sắp tới...

Các khu công nghiệp ngành ô tô tăng trưởng mạnh

Với lợi thế về cảng biển, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để thu hút các nhà đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô ở cả trong nước và ngoài nước. Có thể kể đến là các khu công nghiệp gần cảng như Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam); Đình Vũ, Cát Hải (Hải Phòng).

Ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 Khu công nghiệp cảng Hiệp Phước tại xã Long Thới và xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có những cơ sở hạ tầng cho ngành sản xuất ô tô.

Ông Hiếu Lê - Giám đốc dịch vụ tư vấn và kinh doanh CBRE nhận định, trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhu cầu đất công nghiệp gia tăng.

Mặc dù ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các quốc gia ASEAN khác, tuy nhiên sự tích tụ các quỹ đất công nghiệp dành cho nền công nghiệp ô tô đang được gia tăng trên thị trường. Nhiều công ty lớn trong nước đã bước đầu có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ô tô khổng lồ và chuyên nghiệp như THACO với Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) và VinFast với tổ hợp sản xuất xe hơi tại thành phố Hải Phòng.

Theo CBRE, nhiều thỏa thuận thuê đất công nghiệp và thương mại lớn liên quan đến ngành công nghiệp ô tô đã đạt được trong 3 năm qua và thị trường đang ghi nhận nhu cầu thuê thêm cho giai đoạn sắp tới. Trong 3 năm qua, nhiều nhà sản xuất linh kiện ôtô đến từ châu Âu, Mỹ và châu Á đã tăng cường thuê mặt bằng, nhà xưởng khu công nghiệp tại Việt Nam. Như Tập đoàn xe ô tô Mercedes (Đức) thuê 5,5 nghìn m2 đất mở trung tâm phân phối linh kiện; Camoplast Solideal (Luxembourg) thuê 70 nghìn m2 đất mở nhà máy sản xuất lốp xe; Yazaki (Nhật Bản) thuê 39 nghìn m2 mở nhà máy sản xuất cáp điện ôtô.

Theo ông Desmond Sim – chuyên gia của CBRE thì  tại Việt Nam, hiện không chỉ các nhà lắp ráp mà cả các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia vào thị trường trong những năm gần đây. Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng trong tất cả các khâu sản xuất xe hơi cho thấy sự phát triển ngày càng lớn của chuỗi cung ứng ô tô tại Việt Nam.

Các nhà cung ứng linh kiện ô tô thường đi theo với các nhà sản xuất ô tô. Do đó, họ rất cần có kho hàng, nhà xưởng. Ở Mỹ, thành phố Detroit, quê hương của ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này đã thu hút hàng trăm nhà sản xuất và lắp ráp  ô tô. Họ không chỉ sử dụng bất động sản công nghiệp mà còn tạo ra công ăn việc làm cho hơn 16.000 người dân ở địa phương.

Thái Lan và Mỹ là hai ông lớn sản xuất và lắp ráp ô tô của mỗi châu lục với những bài học kinh nghiệm riêng cho thấy sự bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp nhờ sự tập trung của các nhà sản xuất và cung ứng tại mọi khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy cao và giá cho thuê tăng cũng đang là những cơ hội và cả thách thức cho việc mở rộng sản xuất của thị trường bất động sản công nghiệp.

Xu hướng này cũng đang diễn ra tại Việt Nam khi thị trường truyền thống ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang phải đối mặt với tình trạng quỹ đất hạn chế và giá thuê rất cao. Và mỗi khu vực tại Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh khác nhau dựa trên sự khác biệt trong tính chất kinh doanh, sản xuất cũng như quỹ đất trống, ông Hiếu Lê cho hay.

Ông Đặng Thanh Sơn - cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker McKenzie chia sẻ, khi nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam thì giá thuê đất sẽ có xu hướng tăng lên, và đây là điều bình thường. Các công ty lớn luôn muốn có địa điểm tốt và sẵn sàng trả phí thuê đất cao hơn để có được điều này.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển ổn định và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Trong đó, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ mặt bằng, mà còn có thể tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần để phục vụ tập trung cho ngành sản xuất ô tô.

Với tư cách đơn vị cho thuê bất động sản công nghiệp, bà Trương Minh Hạnh - Giám đốc Marketing của VSIP Bắc Ninh chia sẻ, VSIP không chỉ có đất cho sản xuất chế tạo mà còn xây dựng khu đô thị, căn hộ cho người lao động để thu hút nhân lực; tạo môi trường lao động sạch, an toàn, đáng sống nhằm hấp dẫn người lao động. VSIP cũng tạo ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí để cho người lao động cải thiện đời sống.

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến 2025, tầm nhìn 2035 đặt mục tiêu, năm 2020, tổng sản lượng xe đạt ~ 227.500 chiếc. Năm 2025, con số này là ~ 466.400 chiếc và tới năm 2035, tổng sản lượng xe đạt ~ 1.531.400 chiếc. Tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước lần lượt là ~ 67%, ~ 70% và ~ 78%. Tổng lượng xe xuất khẩu trong các mốc năm 2020, 2025 và 2035 là ~ 20.000 chiếc, ~ 37.000 chiếc và ~ 90.000 chiếc.

sChiến lược định hướng hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.

Hải Yến