Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, tuy nhiên các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp. Các trang web và các trang mạng xã hội được du khách và các đối tác quốc tế theo dõi, tương tác nhiều, như vietnam.travel hay trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới thiếu cập nhật thường xuyên, trình bày không trực quan, khó hiểu.
Mặc dù các quy định về y tế của Việt Nam đối với du khách quốc tế sau thời điểm tuyên bố mở cửa du lịch đã có những thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhưng chưa thật sự theo kịp tình hình, chưa thuận lợi cho du khách và cũng không chứng minh được rõ ràng giá trị đối với mục tiêu “đảm bảo an toàn phòng chống dịch” nên một số khách quốc tế ưu tiên lựa chọn điểm đến là các nước khác trong khu vực có quy định thuận lợi hơn.
“Chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch , chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy "chấp thuận visa", cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước COVID-19; thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có”, báo cáo Ban IV nêu.
Theo Ban IV, để đạt được mục tiêu kỳ vọng đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam năm 2022, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam nói chung có sự bứt phá đáng kể sau bối cảnh đại dịch, Ban IV cùng cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân nhắc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương một số giải pháp: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế.
Các thông tin chính sách, quy định liên quan, cần được cập nhật thường xuyên, trực quan, dễ hiểu trên đầy đủ các kênh, bằng các ngôn ngữ phổ biến, để đạt được tính kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; chú trọng hợp tác công - tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế đặc biệt tìm cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước (như Anh, Úc - đã được TAB và các doanh nghiệp du lịch chủ động phát triển bước đầu); tăng cường hoạt động e-marketing và cần gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEAGAMES 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách các nước.
Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, như: Bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị COVID-19”.
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực, thị thực điện tử theo hướng: Mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan,... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch. Giảm bớt giấy tờ và thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Các địa phương phân công rõ đầu mối cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định, quy trình ứng xử liên quan cho doanh nghiệp với tinh thần công - tư phối hợp chặt chẽ để gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương của Chính phủ; công khai thường xuyên và đảm bảo tính cập nhật trên các trang thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp lập và thực hiện các kế hoạch với du khách thực sự thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay còn tồn tại việc viện dẫn, hướng dẫn, thực thi các quy định chưa đồng bộ hoặc không rõ ràng ở các sở, ngành, đầu mối khác nhau, nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn ở khâu triển khai với đối tác, du khách quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 3/2022, Việt Nam đã đón 15.000 lượt khách du lịch quốc tế. Tính chung 3 tháng đầu năm đã đón 22.358 lượt. Tuy nhiên theo Ban IV và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), sau gần 2 tháng thực thi chủ trương mở cửa lại du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn cả khách quan và chủ quan, bao gồm một số rào cản kĩ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi.
PV