Bản chất của startup là phải chân thật, đừng nhìn mọi thứ một cách "lấp lánh"

08:10 05/12/2020

Với vai trò là một nhà đầu tư thiên thần của khoảng 19 startup tính đến hiện tại, sau tất cả những biến động của Covid-19 trong thời gian qua, mạng lưới này vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào các startup trong tương lai. Doanh nhân Nguyễn Phi Vân chỉ ra các thất bại startup đã gặp phải khi kêu gọi đầu tư, đó là khi đi pitching, startup luôn mang một tinh thần tích cực về sự phát triển của startup trong thị trường...

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam.

 Theo Doanh nhân Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam, hiện có 3 điều mà những nhà khởi nghiệp phải khắc cốt ghi tâm nếu không muốn sớm lãnh thất bại.

Thứ nhất, khi đi pitching (trình bày để gọi vốn), startup luôn mang một tinh thần tự hào dân tộc. Tuy nhiên, câu đầu tiên doanh nghiệp cần đặt ra không chỉ là tinh thần mà phải là thị trường. Khi Covid-19 ập đến, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi. Nếu sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với thị trường thì cần phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với môi trường mới, thị trường mới, từ đó mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

"Startup đừng vì quá yêu đứa con tinh thần mà lấy đó làm khó khăn trong việc chuyển đổi. Sự cứng nhắc sẽ làm cho quá trình chuyển đổi chậm hơn, không thể thích nghi trong trạng trái bình thường mới", bà Vân nhắn nhủ.

Thứ 2 là tầm nhìn, sự thích nghi, không phải người trẻ thì thích nghi nhanh còn người già thì thích nghi chậm. Trong kinh doanh, người già họ có sự trải đời hơn, nên khi gặp chuyện họ thay đổi và thích ứng rất nhanh chứ không cứng đầu. Thay đổi cách tiếp tận chính là yếu tố then chốt để cho doanh nghiệp tồn tại, mà trong thời điểm này tồn tại được là một kỳ công.

Do đó khi Startup làm việc với các nhà đầu tư thiên thần hoặc những người đã từng trải, nếu họ chỉ cho các bạn điều gì thì cũng nên lắng nghe, thay đổi, bởi nó sẽ giúp các bạn chuyển đổi được mô hình kinh doanh, thay đổi cách tiếp cận của mình trong giai đoạn mới.

Thứ ba, các Startup gặp phải là quản trị doanh nghiệp sau khi đã gọi được vốn, có những chỉ số nhất định về doanh thu, phát triển nhân sự. Cụ thể, khi mới khởi nghiệp và còn là một nhóm nhỏ, startup chỉ gói gọn trong quản lý một vài người và phát triển sản phẩm. Thế nhưng, khi đã đạt đến ngưỡng doanh thu rồi, tất cả các vấn đề bao gồm nhân sự, bồi dưỡng, phát triển thị trường, giải quyết các vấn đề tài chính, luật pháp… trở thành vấn đề của công ty có tầm vóc và các bạn sáng lập với kỹ năng của mình không còn theo kịp để ứng phó, biến đổi, lớn cùng doanh nghiệp.

“Trong một vài trường hợp, để cho doanh nghiệp đi nhanh hơn thì tôi đã khuyên Founder (nhà sáng lập) nên thuê 1 người chuyên nghiệp hơn để họ vận hành công ty trong giai đoạn tiếp theo. Còn chúng ta nói câu chuyện xa hơn, có nhiều thời gian đi ra ngoài thị trường để phát triển thị trường tốt hơn. Và như vậy, sẽ tốt hơn cho một Startup”, bà Vân nói.

Tuy nhiên, có những founder hiểu biết và đồng ý với quan điểm nói trên nhưng cũng có những người rất bảo thủ. Những người bảo thủ cho rằng đây là công ty của họ, là đứa con tinh thần của họ nên họ không thể để ai dẫn dắt nó. Đây rõ ràng là câu chuyện nói về doanh nghiệp phát triển, chứ không phải ngồi tranh cãi “công ty của ai” bởi, chúng ta hướng đến mục tiêu doanh nghiệp đại chúng, phục vụ con người.

Giai đoạn phát triển mới của Startup hiện nay chúng ta phải có cái nhìn hết sức chân thật, nhìn lại bản thân, chân thật nhìn lại các mối quan hệ là lúc chúng ta phải đối diện sự thật, chấp nhận sự thật chứ không thể nói những câu chuyện lấp lánh, hay định giá “Fake”…

“Nhiều Startup mới tối hôm nay chốt deal định giá khác, sáng hôm sau lại nhắn tin cho một định giá khác. Đó là điều không thể chấp nhận được”, bà Vân thẳng thắn.

Đồng thời, bà Vân chỉ ra, giai đoạn phát triển tiếp theo của startup Việt là giai đoạn nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đối diện, chấp nhận thực tế, không còn nói về những câu chuyện "lấp lánh", định giá... Các doanh nghiệp cần nhìn nhận, Covid-19 là một vấn nạn, nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp "chậm lại" nhìn nhận rõ hướng đi, sự chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo trong tương lai.

Cũng theo bà Vân, không phải cứ người trẻ là thích nghi nhanh và người già thích nghi chậm. Thực tế, người trẻ có trải nghiệm thích nghi tốt hơn vì "đời vùi dập" nhiều lần. Các bạn hiểu rằng tôi sẽ thay đổi, cách tiếp cận thay đổi để doanh nghiệp tồn tại. Trên tinh thần đó, người già vẫn có thể thích nghi tốt.

Khi startup gặp gỡ nhà đầu tư thiên thần và nhận sự cố vấn, các bạn cần thức tỉnh, lắng nghe và tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách tiếp cận và còn duy trì sự liên quan trong giai đoạn mới.

Startup khi nhìn nhà đầu tư thì nhìn họ như những người rót vốn. Trên thực tế, sự cần thiết của một nhà đầu tư chiến lược sẽ cho các bạn lời khuyên, định hướng, tầm nhìn mới trong một thế giới mới, là điều rất quan trọng. Nhà đầu tư cần là một người đồng hành cùng bạn mới là một nhà đầu tư cần thiết.

"Những nhà đầu tư tài chính bỏ tiền vào và "bỏ chạy", không liên quan đến startup hoặc startup không cho phép nhà đầu tư có sự liên quan, thì startup đó không thích nghi kịp. Nhà đầu tư tài chính trong giai đoạn này không còn quá quan trọng. Các bạn cần tìm nhà đầu tư chiến lược, với mạng lưới kết nối, trải nghiệm, tầm nhìn, thị trường sẵn có để các bạn có thể tham gia ngay vào. Chính nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp startup thay đổi và thích ứng để giúp startup còn "tồn tại", chưa nói đến phát triển, tồn tại đã là một kỳ công", bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Gia Minh