Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có 32.060 vụ ly hôn được xét xử, tăng mạnh so với con số 22.762 vụ vào năm 2020. Đáng chú ý, Bắc Kạn là địa phương có số vụ ly hôn ít nhất với 55 vụ, thấp hơn hẳn so với các tỉnh, thành phố như TP.HCM (1.816 vụ), Cà Mau (1.309 vụ), Tiền Giang (1.262 vụ), Nghệ An (1.227 vụ).
Bắc Kạn có tỉ lệ ly hôn thấp nhất cả nước |
Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ ly hôn
Chuyên viên tham vấn tâm lý - TS. Phạm Thị Thúy, cho rằng hai yếu tố chính tác động đến tỷ lệ ly hôn là văn hóa và kinh tế.
Bà Thúy nhận định rằng ở các vùng kinh tế trọng điểm như TP.HCM, nơi có lượng người nhập cư cao và sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố kinh tế, hôn nhân dễ bị tổn thương. Việc vợ chồng sống xa nhau, khó khăn trong nuôi dạy con cái và nguy cơ ngoại tình cao là những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ.
Ngược lại, ở các khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, đời sống cộng đồng gắn kết, tỷ lệ dân nhập cư thấp và văn hóa ít biến đổi khiến người dân thường duy trì quan điểm truyền thống, không dễ dàng ly hôn.
Bà Thúy nhấn mạnh, sự khác biệt giữa các vùng miền đòi hỏi chính sách hôn nhân phải được thiết kế phù hợp với đặc thù bản địa.
Cùng quan điểm với TS. Thúy, TS. Bùi Hồng Quân - Giảng viên Tâm lý học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng những tâm lý cá nhân và sự phát triển xã hội tác động đến hôn nhân hiện đại, đồng thời với áp lực kinh tế dẫn đến sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong hôn nhân.
Theo tiến sĩ Bùi Hồng Quân, sự phát triển không ngừng của xã hội đã mang lại những thay đổi lớn trong tâm lý, đặc biệt là ở giới trẻ. Một trong những đặc điểm nổi bật là cái tôi cá nhân và vai trò của bản thân được đề cao hơn bao giờ hết.
Trong xã hội hiện đại, với sự đa dạng trong lựa chọn, giới trẻ ngày nay có xu hướng tự do hơn trong việc quyết định tương lai của mình. Khi bước vào hôn nhân, nếu phát sinh bất đồng quan điểm hoặc không đồng điệu trong suy nghĩ, nhiều bạn trẻ dễ dàng lựa chọn ly hôn thay vì nỗ lực tìm cách giải quyết. Điều này phản ánh sự thay đổi tâm lý, khi cái tôi cá nhân được ưu tiên hàng đầu, và ly hôn trở thành một giải pháp thay thế dễ chấp nhận.
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân nhận định, tâm lý con người không tách rời khỏi yếu tố xã hội và lịch sử. Sự khác biệt giữa các thế hệ thể hiện rõ trong cách nhìn nhận hôn nhân. Thế hệ ông bà thường coi trọng việc giữ gìn gia đình như một trách nhiệm với cả bản thân và dòng tộc. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay xem hôn nhân và ly hôn dưới góc độ cá nhân hơn, ít chịu ảnh hưởng từ các mối quan hệ xã hội bên ngoài.
Sự đề cao cái tôi trong xã hội hiện đại cũng khiến việc giải quyết mâu thuẫn hôn nhân trở nên khó khăn hơn. Khi cả hai bên đều không nhượng bộ, những mâu thuẫn nhỏ dễ leo thang thành xung đột lớn, dẫn đến đổ vỡ. Thêm vào đó, cơ hội tìm kiếm bạn đời mới sau ly hôn trở nên dễ dàng hơn trong bối cảnh hiện đại, khiến việc ly hôn trở thành một lựa chọn phổ biến hơn.
Kinh tế luôn là một yếu tố quan trọng trong hôn nhân. Theo tiến sĩ Bùi Hồng Quân, những áp lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng biến động, thường là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột gia đình.
Song song đó, vị thế của phụ nữ trong xã hội cũng đang có những bước tiến lớn. Phụ nữ ngày nay không chỉ đảm nhiệm vai trò trong gia đình mà còn có sự độc lập về kinh tế và vị trí xã hội vững chắc. Điều này giúp họ có quyền chủ động hơn trong quyết định hôn nhân, bao gồm cả việc ly hôn nếu cảm thấy không hạnh phúc. Với nhiều cơ hội để tự xây dựng cuộc sống sau ly hôn, phụ nữ trẻ hiện nay ít chịu áp lực từ các yếu tố xã hội như thế hệ trước.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong giá trị văn hóa và ảnh hưởng từ phương Tây cũng góp phần làm thay đổi cách nhìn của giới trẻ về hôn nhân. Nếu trước đây hôn nhân được xem như một cam kết bền vững, thì ngày nay, nhiều người trẻ coi đó là một lựa chọn linh hoạt. Họ tin rằng, cũng như việc kết hôn, ly hôn là một quyết định cá nhân và không cần phải quá lo lắng về các hệ quả xã hội hay gia đình.
Giải pháp giảm tỷ lệ ly hôn
Để hạn chế ly hôn, bà Thúy đề xuất cần giáo dục giới trẻ về kỹ năng làm vợ, làm chồng, đồng thời nâng cao nhận thức về giá trị hôn nhân và gia đình. Chính sách hỗ trợ kinh tế, như nhà ở, giáo dục, y tế cho các cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt những người có con nhỏ, cũng là yếu tố cần thiết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tư vấn hôn nhân, hóa giải mâu thuẫn để xây dựng gia đình bền vững.
Theo bà Thúy, không nên vội đánh giá tốt hay xấu khi nhìn vào tỷ lệ ly hôn. "Ly hôn đôi khi mang lại cuộc sống tốt hơn cho các cặp vợ chồng và con cái, tránh môi trường độc hại nếu hôn nhân chỉ còn là vỏ bọc. Tuy nhiên, nếu còn cơ hội hòa hợp, các bên nên nỗ lực giải quyết mâu thuẫn để gìn giữ gia đình," bà chia sẻ.
TS. Quân cho rằng ngày nay, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý đang ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ ly hôn. Sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn sâu về tâm lý có thể giúp các cặp đôi nhận diện và giải quyết các vấn đề trong hôn nhân một cách hiệu quả.
Thống kê từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chỉ ra rằng các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hôn nhân gồm: mâu thuẫn lối sống (27,7%), ngoại tình (25,9%), yếu tố kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), vấn đề sức khỏe (2,2%) và sống xa nhau lâu ngày (1,3%). Khi không thể tìm ra giải pháp, các khủng hoảng này đều có thể dẫn đến ly hôn.
Sự khác biệt trong văn hóa và kinh tế giữa các địa phương là yếu tố quan trọng cần được xem xét khi đưa ra các giải pháp để giảm tỷ lệ ly hôn, đồng thời hướng đến xây dựng hôn nhân hạnh phúc và bền vững.