Apple và các đối tác gặp khó với chính sách kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc |
Hãng tin Nikkei dẫn một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang tăng cường giám sát hàng xuất khẩu của Apple và các công ty công nghệ Mỹ khác, cản trở nỗ lực mở rộng sản xuất của các hãng này tại Đông Nam Á và Ấn Độ.
Việc kiểm tra hải quan chặt chẽ hơn có liên quan đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sử dụng kép (dual-use technology) mà Bắc Kinh đưa ra vào đầu tháng 12 đã dẫn đến sự chậm trễ trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần đối với các lô hàng thiết bị sản xuất và vật liệu chuyển đến Việt Nam và Ấn Độ.
Công nghệ sử dụng kép đề cập đến các mặt hàng hoặc công nghệ có thể được sử dụng cho cả ứng dụng quân sự và thương mại.
Việc giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc diễn ra khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc, điều này đã thúc đẩy các công ty như HP, Dell, Microsoft và Apple nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc.
Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến một số công ty như Apple hay các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều nước châu Á.
Apple đang đẩy mạnh dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam, nhằm tránh chi phí leo thang và căng thẳng thương mại. Trong khi Ấn Độ tăng tốc lắp ráp iPhone, Việt Nam nổi lên như một “cứ điểm” quan trọng cho AirPods
Bên cạnh chi phí cạnh tranh và chính sách hỗ trợ của chính phủ, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi, giúp Apple dễ dàng tiếp cận các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á. Những yếu tố này đã tạo lực đẩy lớn, giúp Việt Nam trở thành một trong những “mắt xích” thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Đứng trước việc Apple và nhiều công ty công nghệ khác dần rời khỏi Trung Quốc, chính phủ nước này đã có động thái siết chặt xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và thiết bị sản xuất công nghệ cao. Đây được xem là biện pháp nhằm duy trì vị thế nhà máy sản xuất hàng đầu thế giới, đồng thời ngăn chặn dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra bên ngoài.
Hành động của Trung Quốc phản ánh tầm quan trọng của Apple đối với nền kinh tế và vị thế công nghệ của nước này. Việc “mất” Apple không chỉ là tổn thất về kinh tế mà còn làm suy yếu đáng kể hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc công nghệ, đặc biệt nếu các doanh nghiệp toàn cầu khác nối gót chuyển hoạt động sang Việt Nam hoặc Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng Apple cần tìm điểm cân bằng: duy trì hợp tác với Trung Quốc để có chuỗi cung ứng ổn định cho các linh kiện thiết yếu, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam để giảm thiểu rủi ro và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng. Về phía Trung Quốc, việc giữ chân Apple càng lâu càng tốt là chìa khóa để bảo vệ sức mạnh công nghệ và kinh tế của quốc gia này.
Theo Bloomberg, ngoài Apple, đối tác lắp ráp chính của Apple là Foxconn cũng không thể cử nhân viên từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Các nhà máy tại quốc gia này cũng không thể nhận thêm máy móc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng chưa ảnh hưởng lập tức đến quá trình sản xuất.
Ấn Độ là một trong những quốc gia chiến lược của Apple nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng ngày 20/1.
Nhà máy lắp ráp của Foxconn tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ đóng góp một nửa lượng iPhone xuất khẩu từ nước này, tuy Táo khuyết vẫn sản xuất phần lớn iPhone ở Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho biết Trung Quốc không muốn Foxconn tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang khu vực khác.
Chuỗi cung ứng công nghệ đã cảm nhận “sức nóng” từ căng thẳng Mỹ-Trung thời gian gần đây. Ngày 12/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố biện pháp hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với chip AI tiên tiến. Đất nước tỷ dân đáp trả với lệnh cấm xuất khẩu gali, germani, antimon và các vật liệu siêu cứng khác sang Mỹ.
“Không chỉ Apple, các vật liệu và thiết bị xuất khẩu của nhiều khách hàng Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Hải quan kiểm tra nghiêm ngặt hơn rất nhiều, điều này thực sự ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng ra ngoài Trung Quốc”, lãnh đạo một công ty đối tác của Apple trả lời Nikkei.
"Điều khiến chúng tôi bận tâm hơn là một số mặt hàng và công cụ thậm chí không nằm trong danh sách sử dụng kép nhưng cũng phải đối mặt với các đợt kiểm tra chặt chẽ hơn tại hải quan. Ngay cả một số thiết bị kiểm tra tốc độ cho điện thoại thông minh, họ (hải quan Trung Quốc) có thể lập luận rằng chúng có thể liên quan đến mục đích sử dụng quân sự", một người tại một công ty Mỹ khác có hiểu biết về tình hình này cho biết với Nikkei.
Nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) Chiu Shih-fang cho biết: "Theo quan sát của tôi, các mối đe dọa về cuộc chiến thuế quan của ông Donald Trump và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy việc kiểm tra hải quan ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là một biện pháp toàn diện để tận dụng chính sách của mình nhằm làm chậm tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc của mọi người. ... Nó sẽ tác động đến các kế hoạch đa dạng hóa của các công ty nếu những sự cố như vậy tiếp tục xảy ra".