APEC 2021: Việt Nam chủ động đề xuất nhiều giải pháp tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

15:57 08/11/2021

Tham gia năm APEC 2021, Việt Nam đã chủ động, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thú

Việt Nam - thành viên tích cực trong đề xuất các sáng kiến, dự án

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến từ ngày 11-12/11. Đây là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28. Trước đó, ngày 8-9/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 32. 

  Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam.

Sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28 một lần nữa thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của đất nước, nhất là đảm nhiệm thành công các trọng trách đa phương nhằm thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam. APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; và Việt Nam còn là 1 trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

Ngoài ra, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt...

Đặc biệt, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến của ta về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Về hợp tác APEC năm 2021, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội) vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vắc xin, bảo đảm phân phối và tiếp cận vắc-xin bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vắc xin, hướng tới miễn dịch cộng đồng. 

  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 27 vào tháng 6/2021.

Phối hợp trong APEC đẩy mạnh phục hồi kinh tế

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 có chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, tập trung thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu; hợp tác phục hồi sau đại dịch và thông qua Tuyên bố của Hội nghị và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC trong hai thập niên tới. Đây được đánh giá là một dấu ấn của Năm APEC 2021 mà New Zealand đảm nhiệm cương vị Chủ tịch.

Cũng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 28, ngày 8-9/11 diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 32, bao gồm 02 phiên về: Thương mại là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế; và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật là công cụ thúc đẩy phục hồi kinh tế.Dự kiến Hội nghị liên Bộ trưởng sẽ thông qua Tuyên bố chung và hoan nghênh 02 Báo cáo tóm tắt về Rà soát giữa kỳ việc thực hiện Lộ trình cạnh tranh dịch vụ trong APEC; và Danh sách tham khảo về hàng hoá dịch vụ môi trường.

Trong ngày 11-12/11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của khoảng 4500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuần lễ cấp cao APEC 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức mới do dịch Covid-19 tái bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm hơn. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực, song còn bấp bênh và không đồng đều.

Các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.

Với vai trò chủ nhà APEC 2021, New Zealand đã xác định chủ đề “Cùng phối hợp-Cùng hành động- Cùng tăng trưởng” cho năm APEC 2021, tập trung vào ba ưu tiên gồm các chính sách kinh tế, thương mại thúc đẩy phục hồi kinh tế; đẩy mạnh phục hồi bao trùm và bền vững; thúc đẩy sáng tạo và số hóa.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 dự kiến thông qua 02 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Theo Báo Công thương