Ai không nên ăn quả hồng? |
Hồng là loại quả có nhiều vào mùa thu. Lúc này đang là mùa của những trái hồng giòn và có thể kéo dài tới cuối tháng 10, đầu tháng 11. Hồng mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ, nhưng không phải ai cũng có thể ăn loại quả này. Dưới đây là tác dụng của quả hồng và những người không nên ăn quả hồng.
Trái hồng có giá trị dinh dưỡng cao, giàu glucose, fructose, sucrose, protein, carotene, vitamin C, citrulline, iốt, canxi… Hàm lượng khoáng chất của nó vượt quá táo, lê, đào và các loại trái cây khác. Trái hồng có hàm lượng vitamin C cao gấp 1-2 lần các trái cây thông thường nên là thực phẩm lý tưởng khi cần bổ sung vitamin C. Trái hồng còn chứa một lượng iốt khá cao nên giúp ngăn ngừa được bệnh bướu cổ đơn thuần. Trái hồng chứa pectin là một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng nhuận tràng, giúp tránh táo bón và duy trì hệ vi sinh đường ruột. |
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 3 nhóm người có các vấn đề sức khỏe sau không nên ăn quả hồng:
3 nhóm người 'đại kỵ' với quả hồng. |
Đặc biệt là những ai có đường huyết không ổn định.
Vì quả hồng chứa 10,8% đường, phần lớn là disaccharides đơn giản và monosaccharides (glucose, fructose, sucrose) nên dễ dàng hấp thu vào máu, gây tăng lượng đường trong máu. Nếu ăn hồng, bạn cần cân nhắc đến việc giảm ăn các loại thực phẩm chứa đường khác trong ngày, để đảm bảo đường huyết của bạn được ổn định.
Người bị viêm dạ dày mạn tính hoặc có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường bị khó tiêu đầy bụng.
Do hồng chứa nhiều tanin và chất xơ nên những người có bệnh viêm loét dạ dày thường cảm thấy khó chịu, đầy bụng, khó tiêu sau khi sử dụng. Vì thế, người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên hạn chế ăn hồng.
Quả hồng không phù hợp cho người bị thiếu máu thiếu sắt, do nó chứa nhiều tanin kết hợp với sắt tạo thành kết tủa, dẫn đến cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cũng không nên ăn quả hồng khi đang uống thuốc bổ sung sắt.
Ngoài ra, theo Đông Y, hồng tươi có tính hơi hàn, có thể làm hạ huyết áp, không nên dùng cho người suy kiệt, huyết áp thấp, mệt mỏi kinh niên, phụ nữ mới sinh. Những người bị hạ huyết áp, tốt hơn hết là nên tránh ăn hồng. Acid galic và acid tannic có trong trái cây này có thể làm giảm đáng kể mức huyết áp.
Trong vỏ quả hồng chứa nhiều tanin, đây là lý do vỏ hồng ăn có vị chát. Bạn không ăn hồng lúc bụng đói. Dưới tác động của axit dạ dày, tanin dễ bị kết tủa tạo phức. Nếu ăn quá nhiều hồng, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của acid dạ dày tạo thành một hợp chất được gọi là bezoar. Các chất này sẽ vón lại thành từng khối cứng, khó tiêu hóa và có thể gây tắc ruột.
Trẻ nhỏ ăn nhiều quả hồng cũng dễ bị táo bón, thậm chí tắc ruột. Những người bình thường nếu ăn quả hồng cũng không nên ăn quá nhiều, cần nhai kỹ và không nên ăn quả hồng lúc đói.
Trong một số rất ít trường hợp có thể bị dị ứng với quả hồng. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ loại phát ban hoặc khó chịu nào sau khi ăn loại quả này, tốt hơn hết là không ăn hồng và đi xét nghiệm dị ứng tại các cơ sở y tế.
* Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!