Thông tin từ Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng, góp phần đẩy CPI tăng theo, bao gồm nhóm giáo dục với mức tăng 8,7%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%. Ngược lại, nhóm bưu chính, viễn thông lại có chỉ số giá giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 5, CPI đã tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt heo và giá điện sinh hoạt tăng. Tổng cộng có 7 trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá so với tháng trước.
Về lạm phát, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung là 4,03%. Riêng trong tháng 5, lạm phát cơ bản tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành tăng trưởng mạnh đã góp phần làm tăng chỉ số IIP, bao gồm ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%. Cả nước có 55 địa phương ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, trong khi chỉ số này giảm ở 8 địa phương.
Giá vàng trong nước (không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI) cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 24/5/2024, bình quân giá vàng thế giới tăng 1,3% so với tháng 4/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 3,81% so với tháng trước, tăng 21,47% so với tháng 12/2023, tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước.
P.V (t/h)