4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

11:25 14/09/2021

Nghị quyết 105/NQ-CP “về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19” vừa được Chính phủ ban hành 09/9/2021 được kỳ vọng là "chiếc phao" cứu cộng đồng doanh nghiệp đang gần như đuối sức dưới tác động của dịch COVID-19 kéo dài.

Nghị quyết đưa ra bốn nhóm giải pháp đã cơ bản bao trùm đầy đủ các vấn đề mà xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang phải đối mặt.

Theo đó, Nghị quyết nhận diện việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh là nhóm giải pháp thứ nhất, thể hiện quan điểm đúng đắn của Chính phủ về xử lý vấn đề dịch bệnh hiện nay. 

  Ảnh minh họa.

Tức là, chỉ khi kiểm soát tốt dịch bệnh và phân bổ hợp lý vaccine ngừa COVID-19 đến từng doanh nghiệp thì mới tạo đủ điều kiện để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến bảo đảm lưu thông hàng hóa, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng... đã "chạm" đúng đến những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Đặc biệt, nhóm chính sách tài khóa dù được triển khai từ sớm nhưng hiệu quả chưa thật sự cao, cần tiếp tục được triển khai ở đợt hỗ trợ này. Ngoài ra, chính sách cho người lao động, chuyên gia được coi là cách giúp doanh nghiệp giữ chân công nhân, tránh nguồn vốn ngoại có xu hướng rời khỏi Việt Nam.

Nhóm giải pháp thứ ba liên quan đến cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Và nhóm giải pháp thứ tư là tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Nhìn lại thực tế cho thấy, đại dịch COVID-19 bùng phát, những điểm yếu của nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Có quá nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn, chịu rất nhiều tổn thất, thậm chí là bất lực.

Bằng chứng, theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nhưng có đến 85,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020… Đây là con số kỷ lục chưa từng có, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp mới thành lập.

P.V