Tại chương trình "Đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Hoàng Thành, Quản lý chương trình của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đã chia sẻ về quy định của EU đối với chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR). Quy định này nhằm giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm và chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng hoặc suy thoái rừng bị đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo ông Thành, từ ngày 31/12/2024, quy định EUDR sẽ bắt đầu được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức và cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia thành viên EU, và từ tháng 6/2025, quy định sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ban đầu, quy định này sẽ áp dụng cho 7 loại hàng hóa chính: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su, và các sản phẩm có nguồn gốc từ những hàng hóa này. Danh sách các mặt hàng và sản phẩm này sẽ được cập nhật thường xuyên.
Trong số 7 nhóm hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất gây mất rừng, Việt Nam có 3 nhóm hàng chịu tác động chính, bao gồm gỗ, cao su, và cà phê. Đặc biệt, cà phê là mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quy định EUDR, chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu, tương đương hơn 1,1 tỷ USD; tiếp theo là gỗ với 636 triệu USD và cao su với 252 triệu USD.
Ngoài ra, ông Thành cũng nhấn mạnh rằng, các mặt hàng trong lĩnh vực chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi EUDR do nhu cầu về thịt, sữa và các sản phẩm động vật khác ngày càng tăng, dẫn đến việc phá rừng, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm nguồn nước.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), đã chỉ ra những thách thức mà EUDR đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm chi phí xuất khẩu tăng và nguy cơ mất thị phần tại EU do các đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng tuân thủ quy định này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến khả năng đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU.
TS. Nguyễn Trung Kiên, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng nhận định rằng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt của EUDR, bao gồm việc định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn, là một thách thức lớn đối với Việt Nam do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao và chuỗi giá trị phức tạp. Thêm vào đó, việc theo dõi mất rừng bằng công cụ viễn thám cũng gặp khó khăn vì Việt Nam chưa có nền bản đồ rừng phản ánh đúng thực trạng vào thời điểm 31/12/2020.
Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, các chuyên gia vẫn nhận định rằng EUDR mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu họ biết cách tận dụng và tuân thủ các yêu cầu này.
P.V (t/h)