Nhận diện đúng biểu hiện, bản chất của tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, khắc phục và hạn chế tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, bởi nếu không sẽ làm hư hỏng cả đội ngũ cán bộ, tha hóa tổ chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Vụ lợi là hành vi mưu cầu lợi ích vật chất, tinh thần cho riêng mình mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc giành được thông qua hành vi tham nhũng.
Công tác cán bộ là công tác đối với con người, do đó, tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về “vụ lợi” so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.
Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”... Cái lợi người ta nhận được ở đây suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất.
Tuy nhiên, về bản chất, những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng vì đều là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng và trước tình hình tiêu cực, tham nhũng hiện nay, cần đặt trọng tâm vào công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Tiến hành rà soát toàn bộ công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, nhất là những nơi có dấu hiệu vi phạm; phát hiện, kiểm tra, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ để răn đe mạnh mẽ.
Cần đặt đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ trong cục diện đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đổi mới chính sách cán bộ, gắn trực tiếp trách nhiệm với lợi ích của người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ công tác cán bộ.
Nhân tố quyết định thành công trong đấu tranh chống tham nhũng là quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện ở sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, nhất là điều tra, xử lý các vụ, việc tham nhũng trong công tác cán bộ.
Bảo Ngân (T/h)