Xử lý nợ xấu: Những con số biết nói...

00:00 12/10/2020

Một năm sau khi triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, ngành Ngân hàng đã thành công trong việc xử lý và bán đấu giá nhiều tài sản lớn, các tài sản bảo đảm là bất động sản bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị

Ngày 28/08/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg dưới hình thức truyền hình trực tuyến tại phòng họp trực tuyến của NHNN và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, hiện nay, năng lực tài chính của các Tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.

Tính đến ngày 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống Ngân hàng ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Cùng với đó, chất lượng tín dụng cũng đã được cải thiện. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Tính đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với mức 2,46% tại thời điểm 31/12/2016. Đến 30/6/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoại bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 đạt 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42) đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Nhờ được trao thêm nhiều quyền năng cho cả phía ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng như công an, tòa án, chính quyền địa phương.

Về phía VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông (chủ tịch VAMC) cho biết, lũy kế đến hết 15/8/2018, VAMC phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 98,976 nghìn tỷ đồng trên tổng 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng Trái phiếu đặc biệt.

Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã thu hồi được 48,017 nghìn tỷ đồng tức gần bằng tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, thông qua Nghị quyết 42, quyền chủ nợ của VAMC, TCTD được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền xử lý tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý TSBĐ của khách hàng, bên bảo đảm, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế là “có vay phải có trả”.

Qua đó, VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn. Ông Đông cho biết: “Kể từ khi có Nghị quyết 42, sự phối hợp giữa VAMC, các TCTD với các cấp các ngành, từ trung ương đến địa phương trong hoạt động xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác xử lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm (TSBĐ)”.

Với vai trò là Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng khẳng định: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực. Nhìn lại quá trình từ khi triển khai xây dựng tới ban hành có thể thấy chúng ta hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong một thời gian ngắn”.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng.

Thống đốc cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ cho biết: "khung khổ pháp lý để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được Quốc hội, Chính phủ ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành ngân hàng".

Thực tế cho thấy, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã mang lại niềm tin đối với ngành ngân hàng, người dân và doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đã trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu.

“Các khung khổ pháp lý ban hành hiện nay có ý nghĩa lịch sử của hoạt động ngân hàng, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng đánh giá cao vai trò của NHNN với thái độ chuyên nghiệp, bản lĩnh, tận tụy quyết định sự thành công của cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tới nền kinh tế trong nước.

Phạm Duy