Triển vọng kinh tế Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á

00:00 12/10/2020

Bất chấp thách thức từ đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất khu vực châu Á.

Theo CNBC đưa tin, các chuyên gia kinh tế của UBS phát biểu trong tuần này rằng Việt Nam là một trong những điểm sáng nhất châu Á, bất chấp thách thức của việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và nền kinh tế của nước này đã sẵn sàng để hồi phục.

Kinh tế Việt Nam được coi là điểm sáng nhất khu vực châu Á. Ảnh: Quốc Tuấn

"Việt Nam đang chịu một số tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng triển vọng kinh tế của họ đang là một trong những điểm sáng nhất khu vực", ông Edward Teather, Nhà kinh tế học khu vực Asean tại UBS Research cho biết.

Theo đó, doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp đã tăng trong tháng 6, tốt hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực.

Trong khi nhiều nền kinh tế đã chứng kiến sự suy giảm trong quý II năm 2020 so với cùng kỳ, nhưng GDP Việt Nam đã tăng trưởng nhẹ ở mức ước tính 0,36%.

Các chuyên gia kinh tế của UBS nhận định, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn COVID-19 mặc dù có chung biên giới với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên. Việt Nam chỉ có 369 trường hợp dương tính và không có trường hợp tử vong nào cho đến nay, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Đại học Johns Hopkins. 

"Việt Nam đang phát triển và có cơ hội tốt để tiếp tục tăng thị phần toàn cầu về xuất khẩu trong tương lai, vì vậy triển vọng khá sáng sủa theo nghĩa tương đối trong khu vực", ông Edward Teather nhấn mạnh.

Việt Nam được coi là một trung tâm sản xuất thay thế đối với các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, vì căng thẳng giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington dẫn đến việc tăng thuế.

Cũng theo nhà kinh tế của UBS, những chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam. “Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi thực hiện thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước Việt nam cũng cho biết muốn nâng tăng trưởng tín dụng hơn 10%. Chính phủ Việt Nam đang có đà để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa", ông Teather nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định Việt Nam là điển hình thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là các điều kiện then chốt như nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc của Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc nới lỏng tiền tệ, tài khóa và nhu cầu xuất khẩu gia tăng trở lại, mức tăng trưởng nói trên hoàn toàn có thể đạt được.

Nhiều tổ chức tài chính khu vực, quốc tế, các hãng xếp hạng tín nhiệm, chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ thuận lợi trong trung hạn, sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 4 vừa qua cũng cho rằng, trong trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định, dù các hoạt động kinh tế đi xuống và các rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi với DĐDN, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định mặc dù được đánh giá cao nhưng vẫn còn những thách thức với Việt Nam ở phía trước.

“Việt Nam đã đạt được thành công trong kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong giai đoạn một. Sự phục hồi đã xuất hiện trong du lịch, công nghiệp khi chỉ số PMI tăng 10 điểm trong tháng 5 lên 42,7 điểm từ mức 32,7 điểm trong tháng 4. Tuy nhiên, PMI vẫn dưới mức 50 điểm, có nghĩa là khu vực công nghiệp chế tạo vẫn trong trạng thái co hẹp”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn lưu ý.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào bên ngoài, nên sự phục hồi thực sự chỉ có thể xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn. Do đó, Việt Nam cần thận trọng với việc tái mở cửa giao lưu kinh tế với bên ngoài. Phương án tốt nhất hiện nay là cố gắng duy trì những hoạt động trong nước. Nói cách khác, mục tiêu duy trì ổn định quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng.