Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Nên lấy quyền lợi chính đáng của cổ đông làm mục tiêu!

00:00 12/10/2020

Theo kế hoạch, ngày 15-11 tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi một số điều Luật Doanh nghiệp năm 2014. Một trong những nội dung quan trọng của Luật Doanh nghiệp là quyền của cổ đông, tuy nhiên dự luật sửa đổi lần này vẫn chưa khắc phục được “khoảng trống quyền lực” trong trường hợp cổ đông chuyển nhượng phần lớn cổ phần phổ thông.

Dự luật còn mang tính cào bằng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông lớn và chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng, cơ bản của cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu dưới 1% tổng số cổ phần phổ thông.

 

Khoảng trống “quyền lực”!

Theo khoản 2 điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có các quyền như: đề cử người vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát; xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 điều này; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết...”.

Với quy định như vậy, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ trên 10% tổng số cổ phần không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được các quyền trên. Muốn thực hiện, cổ đông/nhóm cổ đông đó phải sở hữu số cổ phần đó liên tục trong thời gian sáu tháng.

Ngay cả khi nhận chuyển nhượng 99% tổng số cổ phần phổ thông nhưng chưa đủ thời hạn sáu tháng thì cổ đông/nhóm cổ đông đó cũng không có các quyền quy định tại khoản 2 điều 114 nói trên. Nghĩa là họ không thể can thiệp ngay vào việc quản lý điều hành của công ty.

Ngay cả khi phát hiện những người quản lý điều hành có những quyết định không vì lợi ích công ty thì cổ đông/nhóm cổ đông mới cũng đành bất lực. Cổ đông/nhóm cổ đông mới không thể khởi kiện vụ án để yêu cầu tòa án ngăn chặn hành vi vi phạm rõ mười mươi của người quản lý điều hành. Vì vậy, có thể nói trong khoảng thời gian này, những người quản lý điều hành của công ty hoàn toàn có quyền tự tung, tự tác mà không bị bất kỳ trở ngại nào từ chủ sở hữu công ty. Đây vừa là một nghịch lý vừa là một khoảng trống “quyền lực”.

Để không bị mất kiểm soát công ty và không bị rơi vào khoảng trống “quyền lực” như vừa nêu trên, trong các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), các luật sư phải đưa vào hợp đồng mua bán cổ phần các điều khoản ràng buộc nhằm đảm bảo bên mua có thể kiểm soát được công ty mục tiêu trước khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.

Tuy nhiên, không phải người mua nào cũng nhờ luật sư và không phải luật sư nào cũng có kinh nghiệm để thấy được điều đó và đưa ra những điều khoản chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. Do đó, pháp luật cần phải có cơ chế để bảo vệ cổ đông/nhóm cổ đông mới nắm giữ cổ phần đa số (quá bán) khi rơi vào những trường hợp trên.

Không có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của cổ đông

Đối với quyền của cổ đông lớn quy định tại khoản 2 điều 114 dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, so với Luật Doanh nghiệp hiện hành, dự theo luật có bổ sung quyền xem xét, trích lục các hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị (HĐQT) và các tài liệu khác.

Tuy nhiên, để thực hiện những quyền trên, cổ đông hoặc nhóm cổ đông vẫn phải đáp ứng đủ hai điều kiện như trước đây: (i) sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty); và (ii) phải sở hữu liên tục trong thời hạn ít nhất sáu tháng.

Trên thực tế, tuyệt đại đa số điều lệ của các công ty cổ phần, trừ các công ty đại chúng quy mô lớn, đều quy định tỷ lệ này là 10% mà không đưa ra một tỷ lệ nhỏ hơn. Chính điều này dẫn đến bất cập khi có cổ đông/nhóm các cổ đông là những người liên quan nắm giữ trên 90% cổ phần của công ty.

Trong trường hợp này, tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhóm cổ đông còn lại đương nhiên dưới 10% nên theo quy định trên sẽ không có quyền xem xét biên bản họp HĐQT, các giao dịch thuộc diện HĐQT phải thông qua.

Việc này dẫn đến tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu trên 90% cổ phần, thông qua những người quản lý điều hành, tiến hành các giao dịch chuyển giá gây bất lợi cho công ty nhưng cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu dưới 10% tổng số cổ phần không thể tiếp cận bằng chứng để tiến hành khởi kiện bảo vệ quyền lợi công ty theo quy định pháp luật.

Theo khoản 1 điều 114 dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các cổ đông phổ thông đều có các quyền như: quyền tham dự và phát biểu trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền; quyền nhận cổ tức với mức theo quyết định của đại hội đồng cổ đông; quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty; ... Đây là các quyền lợi cơ bản dành cho tất cả các cổ đông phổ thông, không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Tuy nhiên, không phải cổ đông/nhóm cổ đông nào cũng có thể đảm bảo các quyền này trên thực tế. Hiện tại, pháp luật hiện hành cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang có sự phân biệt giữa các cổ đông/nhóm cổ đông.

Chỉ những cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn sáu tháng mới có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự cá nhân, liên đới đối với các thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường các thiệt hại cho công ty hoặc người khác khi mà những người này không làm đúng nghĩa vụ luật và điều lệ quy định, có các hành vi xâm phạm đến lợi ích của công ty (theo khoản 1 điều 161 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Do đó, trên thực tế dẫn đến các bế tắc sau:

(i) Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu dưới 1% tổng số cổ phần không thể khởi kiện các thành viên HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc khi những người này vi phạm các quyền cơ bản của cổ đông như: không chia cổ tức, không cho tham dự đại hội cổ đông, không cho quyền ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành thêm...

(ii) Còn các cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần trở lên không được quyền khởi kiện các thành viên HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc công ty để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà chỉ được khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của công ty hoặc của người khác!

Rõ ràng, quyền được chia cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu khi công ty phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông là những quyền rất cơ bản và rất chính đáng của mọi cổ đông. Chúng ta không thể lấy lý do ngăn chặn tình trạng cổ đông gây khó khăn, can thiệp, cản trở hoạt động của doanh nghiệp mà đưa ra các điều kiện về tỷ lệ có thể dẫn đến hạn chế, thậm chí là tước đi quyền lợi chính đáng và cơ bản của cổ đông.

Vì vậy, khi sửa Luật Doanh nghiệp nên lấy quyền và lợi chính đáng của cổ đông làm mục tiêu, chứ không phải lợi ích của số đông hay bên yếu thế. Bởi lợi ích của số đông hay lợi ích của bên yếu thế không phải bao giờ cũng là lợi ích chính đáng. 

LS. Phùng Thanh Sơn