Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19

00:00 12/10/2020

Đây là một trong những nội dung chính của Hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/6 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”.

Tại buổi hội nghị, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp.

“Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế không phải đến lúc có dịch COVID-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ,” bà Hồng Minh nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội nghị

Báo cáo của CIEM cũng nhận định, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung và DN nói riêng. Trong khi đó, căng thẳng/xung đột địa chính trị, chủ nghĩa cực đoan tiếp tục diễn ra, kéo theo rủi ro đối với thương mại và đầu tư toàn cầu chưa lắng xuống, chủ nghĩa bảo hộ; căng thẳng thương mại; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn nhiều bất định...Ngay cả khi các lĩnh vực cải cách đã xác định thì yêu cầu thực hiện vẫn cần phải nhanh và triệt để hơn, đặc biệt là nhận diện những điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM cho rằng, suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn và xu hướng nới lỏng tiền tệ trở nên rõ hơn. Trong khi đó, CMCN 4.0 và kinh tế số đang chứng kiến sự đua tranh gay gắt giữa các nền kinh tế lớn, kéo theo gia tăng sự đối đầu giữa phát triển công nghệ và tư duy quản lý, kể cả ở các nước phát triển.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM

Tại Việt Nam, khung chính sách kết hợp ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài với cải cách vi mô, trong đó trọng tâm là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và giải trình hợp lý với thị trường (kể cả đối tác bên ngoài); xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Sửa đổi một số Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật PPP,...); Tiếp tục xây dựng các chính sách nhằm tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới, CMCN 4.0 và kinh tế số đang được diễn ra trong bối cảnh các đánh giá cho rằng tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như xu hướng dịch chuyển của FDI khỏi Trung Quốc đã hiện hữu từ lâu nhưng rõ hơn trong thời gian gần đây. Đại dịch COVID-19 chỉ khiến nhà đầu tư dịch chuyển nhanh hơn, dù có chuyển sang ASEAN hay không, nhà đầu tư nước ngoài sẽ “không bỏ hết trứng vào một giỏ” .

Soi chiếu thực tế tình hình kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương phân tích, nhìn chung xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn đang diễn biến tích cực trong các tháng đầu năm, song khả năng duy trì là rất khó khăn kể từ tháng 4. Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư 1,9 tỷ USD, nhưng trong tháng 4 đã thâm hụt 0,94 tỷ USD và tháng 5 thâm hụt 0,9 tỷ USD. 

Nói về một số điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19, đại diện CIEM nhấn mạnh tới điểm nghẽn về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững.

Trong đó, ông Dương nhấn mạnh tới điểm nghẽn ứng xử với nhà đầu tư. Theo đaị diện CIEM, tới đây, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.

Đối với vấn đề vai trò của Nhà nước, đại diện CIEM cho rằng, COVID-19 làm thay đổi đáng kể cách người dân nhìn nhận về Chính phủ, theo đó, vai trò của Nhà nước sẽ tăng lên, vấn đề chỉ là mức độ nào. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở chỗ quy mô hỗ trợ lớn hơn, các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và phát triển bao trùm và bền vững càng trở nên nổi bật.

CIEM cho biết, tới đây, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp được cải thiện khá nhanh trước COVID-19. Khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 54,8% nguồn vốn, và cũng là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 thấp nhất.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm: quý I/2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn đáng kể so với quý I các năm 2016-2019. Đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Thu hút FDI 5 tháng năm 2020, giảm 11,1% về số dự án mới và 8,2% về vốn thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho biết, vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch COVID-19. Qua đại dịch này, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định.

Thời gian tới, bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng ngày càng gia tăng, trong bối cảnh đó, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng. Doanh nghiệp Việt có sự thích nghi tốt.
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, ví dụ như: giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản.

Do đó, cải cách này cần mạnh mẽ hơn, bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ ko chỉ là tháo gỡ khó khăn.”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ly Ly - Gia Gia