Đơn cử trong lĩnh vực hàng không. Chúng ta đều biết, càng nhiều hãng hàng không tham gia thị trường, người dân càng được hưởng lợi. Tuy nhiên suốt hàng thập niên, từ sau khi hãng hàng không tư nhân đầu tiên - Vietjet - chính thức được thành lập năm 2010, không có thêm bất cứ một hãng hàng không nào dù số lượng xếp hàng xin bay ngày càng nhiều.
Phải tới cuối năm 2018, Việt Nam mới chính thức có thêm hãng hàng không thứ 4 nhờ sự góp mặt của Bamboo Airways. Hãng mới nhất, được cấp phép bay ngay sau đó là Vietstar Airlines cũng đã trải qua gần 5 năm trầy trật gửi hồ sơ lên lại rút hồ sơ xuống hàng chục lần. Chủ một hãng hàng không phải thừa nhận quy trình xin bay rất vất vả, thậm chí là đau khổ bởi cơ chế xin - cho và tư duy bảo hộ doanh nghiệp (DN) nhà nước vẫn chưa thật sự cởi bỏ.
Tương tự, sau “kỳ tích” sân bay Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế hình thành thần tốc, chất lượng - dịch vụ đứng hàng đầu trong nước và trong khu vực được thực hiện bởi một DN “tay ngang”, rất nhiều DN đã kỳ vọng có được cơ hội tham gia đầu tư hạ tầng, gỡ nút thắt cho ngành hàng không.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hơn một lần khẳng định Chính phủ hoàn toàn ủng hộ DN tư nhân tham gia mở cửa bầu trời, từ trên trời cho tới mặt đất. Thế nhưng thực tế, các dự án trọng điểm như mở rộng nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành… chạy một vòng vẫn được Bộ GTVT kiên quyết đề xuất giao về ACV - một DN mà vốn nhà nước dù rất nhiều DN tư nhân tham gia với những “lời chào” thuyết phục hơn nhiều về tiến độ, chi phí xây dựng.
Trước đó, các tiêu chí chọn nhà đầu tư tham gia các dự án BOT thành phần của dự án đường bộ cao tốc bắc - nam được đánh giá là sẽ loại các nhà thầu trong nước ngay từ bước sơ tuyển khiến các DN, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước bức xúc, lên tiếng. Bộ GTVT sau đó đã phải hủy đấu thầu quốc tế để dành cơ hội cho các nhà thầu nội.
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 tổ chức hồi giữa năm, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói thẳng: “DN tư nhân muốn làm những cái lớn, cụ thể. Họ muốn làm sân bay Long Thành và đặc biệt đường sắt cao tốc bắc - nam. Nếu được giao, họ cam kết sẽ không mất 30 năm mà đâu đó chỉ khoảng 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ trước Chính phủ”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn quản trị tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) nhận định việc tạo môi trường bình đẳng giữa các khu vực kinh tế và ngành nghề trong xã hội đã được luật DN và một số luật khác quy định rõ ràng. Về luật pháp, không có sự phân biệt giữa DN nhà nước, DN đầu tư nước ngoài hay DN tư nhân. Thậm chí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10 với mục đích đẩy mạnh khối DN tư nhân phát triển. Tuy nhiên thực tế, trong tư duy của một số lãnh đạo ngành bảo thủ, khu vực kinh tế tư nhân đôi khi vẫn còn bị coi như “con ghẻ” và những ví dụ trên là minh chứng điển hình.
Với quan điểm các tập đoàn lớn chính là “người khổng lồ” thay đổi thị trường, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhà nước cần có chính sách tập trung vào một số DN có tiềm lực, hỗ trợ để lớn mạnh, đủ sức khỏe, tiềm lực cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
“Cần tập trung vào các DN lớn, kích họ lên thành những đầu tàu, dẫn dắt kết nối được các DN vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Từ các DN đầu tàu này, chính các DN nhỏ và vừa sẽ có động lực để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc tạo cơ hội để DN vừa và nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng chúng ta từng kỳ vọng vào khối FDI, nhưng đã không thành công. Nay nếu trong nước có được các đầu tàu như vậy, tại sao không có chính sách hỗ trợ đặc biệt để họ lớn mạnh?”, PGS-TS Thịnh đề xuất.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khẳng định: DN Việt hiện đủ mạnh, không cần nhà nước phải có chính sách ưu đãi hay hỗ trợ quá nhiều. Cái họ cần chỉ là môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử, được tạo cơ hội để tham chiến vào những lĩnh vực lâu nay bị loại trừ như hạ tầng hàng không, giao thông…
“Dù đã có rất nhiều minh chứng về sự hiệu quả của khối DN tư nhân nhưng chúng ta có vẻ vẫn chưa đủ tin cậy. Đối với một số ngành nghề vẫn còn sự thiên vị, chưa thật sự công tâm, bình đẳng. Môi trường như vậy khiến đội ngũ DN VN không có cơ hội để lớn mạnh. Cần quán triệt tư duy, DN tư nhân là nền tảng của kinh tế thị trường. Họ là DN VN, mọi điều họ làm không phải phục vụ một nhóm đối tượng mà là cống hiến cho toàn xã hội, kéo nền kinh tế VN đi lên. Muốn đột phá, phải tạo ra được lực lượng DN tư nhân trụ cột thông qua sự bình đẳng, công bằng, minh bạch từ cơ chế, chính sách của nhà nước”, ông Thiên nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng quan trọng nhất là môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, ít rủi ro. Từ chính sách thể chế tốt, ai có năng lực tốt sẽ tự thân phát triển.
“Theo tôi, đa số tập đoàn, DN đã phát triển lớn mạnh đều có tư duy cạnh tranh khu vực và cạnh tranh toàn cầu tốt. Các DN này đang lớn lên bằng tài năng. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là tìm kiếm điểm yếu nào của họ chưa được bật lên do vướng cơ chế chính sách, từ đó ưu tiên tháo gỡ chứ không phải hỗ trợ”, ông Cung nói.
Cần lưu ý tìm kiếm, chọn đúng “người thắng cuộc” (những DN lớn - PV) có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài để hỗ trợ chính sách, không phải dàn trải cho cả những DN nhỏ. Chính sách nhằm khuyến khích DN lớn ra toàn cầu, ngay cả ngành dịch vụ du lịch, tài chính, máy tính… chứ không phải chính sách hỗ trợ DN lớn loanh quanh trong “ao nhà”. TS Nguyễn Đình Cung |