'Ma ngoại' lừa doanh nghiệp nội

00:00 12/10/2020

Rất nhiều cảnh báo từ các cơ quan tham tán thương mại VN ở nước ngoài với doanh nghiệp Việt trong các giao dịch thương mại chưa rõ ràng thông tin đối tác, tránh bị lừa...

Nhưng số lượng doanh nghiệp Việt bị lừa, đối tác nước ngoài không trả tiền khi đã nhận hàng ngày càng tăng.

Lừa đảo trong thương mại ngày càng tăng

Không chỉ DN ở các quốc gia xa xôi hẻo lánh tận châu Phi mới lừa, chính công ty tại các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp... DN Việt cũng đã gặp những “vố” tương tự. Nhiều DN đã tìm đến chúng tôi để nhờ... đòi nợ
 
Ngày 10.10, thông tin từ Thương vụ VN tại Algeria kiêm nhiệm Senegal (châu Phi), cơ quan này đã nhận được thư của một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu VN nhờ hỗ trợ đòi tiền hàng một công ty tại Senegal.
Theo trình bày của DN này, công ty bán cho DN có tên GSN International tại Dakar, Senegal một container tiêu đen 40 feet trị giá 61.750 USD (gần 1,5 tỉ đồng). Hình thức thanh toán là CAD (trao chứng từ trả tiền ngay) 100% thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi giao hàng, người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng gần 2 tháng qua, nhưng không thanh toán. Công ty xuất khẩu VN đã liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được. Phía ngân hàng người mua tại Senegal trả lời là người ký nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại ngân hàng này (!?).
Hiện các cơ quan đại diện VN ở Senegal đang nhờ phối hợp với ngân hàng nước ngoài để buộc đối tác thanh toán cho DN VN. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết quả. Thực tế, hầu như tháng nào, năm nào thương vụ VN tại các nước đều có những cảnh báo tương tự với DN Việt trong mua bán giao thương với đối tác nước ngoài. Tháng 5 vừa qua, Thương vụ VN tại Pakistan cũng đưa ra cảnh báo về Công ty Jilani International đã và đang lừa đảo DN VN để xuất nguyên liệu thủy sản. Sau khi DN Việt chuyển tiền đặt cọc qua ngân hàng, công ty này rút toàn bộ và cắt đứt mọi liên lạc. Điều đáng nói là... ngân hàng tại Pakistan cũng không thể liên lạc được với công ty này vì đó là công ty “ma”.
Cũng trong tháng 5, một DN nhập khẩu tại VN mua bột nhẹ (soda ash) từ một DN Thổ Nhĩ Kỳ. DN Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một bộ chứng từ đầy đủ vận đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... nhưng đều giả mạo. Đáng nói sau đó DN Việt đã kịp chuyển 30% giá trị hợp đồng, rồi gửi phí vận chuyển. Cho đến khi bên lừa đảo yêu cầu chuyển tiếp 1.000 USD nữa DN Việt mới nghi ngờ, nhờ Thương vụ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra. Kết quả DN kia không tồn tại ở nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi quyết định ký hợp đồng mua bán, DN phải đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng VN tại châu Phi có thể hỗ trợ xác minh trước khi tiến hành giao dịch. Khi chuyển tiền đặt cọc cho khách hàng qua ngân hàng cần thông báo cho ngân hàng đây là tiền đặt cọc theo hợp đồng đã thỏa thuận...
Ông Hoàng Đức Nhuận
Cũng một cách lừa đảo tương tự, một DN khác cũng đã chuyển 30% đặt cọc cho đối tác ở Hà Lan để mua hàng, nhưng sau đó đã không thể liên hệ được, điện thoại thường để chế độ voice mail, hoặc không còn sử dụng nữa và hầu hết là trường hợp số điện thoại di động hoặc cũng có trường hợp số cố định nhưng không gọi được.
Thực tế, những trường hợp DN Việt bị đối tác ngoại lừa đảo trong các giao dịch mua bán với các nước khá giống nhau. DN Việt chủ yếu liên lạc và “mua niềm tin” từ những DN ảo này qua trang web hoành tráng, bắt mắt, những email hứa hẹn giá tốt từ đối tác.
Thậm chí, khi đã được cơ quan tham tán báo DN đó không tồn tại ở nước này, DN vẫn chưa tin do theo dõi trên trang web giả của công ty này vẫn thấy lô hàng của mình đang... cập cảng tại một nước nào đó. Mỗi năm, VN có hàng chục vụ như vậy, đó là số liệu chính DN trong nước gửi đến các thương vụ cầu cứu hỗ trợ để thu lại tiền, hàng. Còn số bị lừa nhưng ngậm đắng bỏ đi thì chưa tính hết.

Đi Mercedes, mặc comple... cũng lừa

Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán VN tại Algeria (kiêm nhiệm tại các thị trường Senegal, Mali, Niger...), lưu ý các DN khi kinh doanh tại các khu vực châu Phi, đặc biệt vùng Tây và Trung Phi. DN cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn DN, qua các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc. Hạn chế tối đa tìm kiếm bạn hàng qua mạng internet hoặc giao dịch với đối tác tự tìm đến mình qua website.
Tuy nhiên, không chỉ lừa trong thương mại điện tử, nhiều trường hợp đã thực hiện nghiêm túc thanh toán một hợp đồng “làm tin” trước, hợp đồng lớn sau đó mới lừa. Ông Nguyễn Thanh Lâm, chuyên gia xuất khẩu, Chủ tịch HĐTV Công ty VietEuro, người có kinh nghiệm hơn 30 năm “gánh” hàng Việt đi các nước, lắc đầu ngao ngán khi hay tin lại thêm DN Việt bị lừa bởi đối tác ảo đến từ châu Phi.
Ông nói: “Đó là bị lừa trong mua bán qua web, điện thoại, email, không gặp trực tiếp. Có trường hợp gặp trực tiếp, có giao dịch “chào sân” trước một hợp đồng nhỏ, hợp đồng thứ 2 với số lượng lớn, ẵm lượng tiền lớn và vù luôn. Toàn dân đi xe Mercedes, comple, cà vạt bóng bẩy cũng lừa. Không chỉ DN ở các quốc gia xa xôi hẻo lánh tận châu Phi mới lừa, chính công ty tại các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Pháp... DN Việt cũng đã gặp những “vố” tương tự. Nhiều DN đã tìm đến chúng tôi để nhờ... đòi nợ”.
Theo ông Lâm, làm xuất khẩu, DN phải nắm rõ yếu tố pháp lý liên quan các điều khoản Indoterm trong thương mại quốc tế, tìm hiểu kỹ đối tác, thậm chí mua tài liệu từ những tổ chức tố cáo tình báo quốc tế công khai, đọc kỹ hồ sơ của DN, phải đến tham quan nhà kho, nhà xưởng của đối tác và nhận xác nhận từ đơn vị cho thuê kho là của DN này... “Đi thăm nhà xưởng, kho của một đối tác chuẩn bị mua hàng là cần thiết. Ngoài ra, trong danh sách ngân hàng thỏa thuận mở L/C, nên chọn ngân hàng đứng vào tốp uy tín quốc tế. Nên nhớ, càng hội nhập sâu rộng, làm ăn “ù ù cạc cạc”, càng bị lừa nhiều hơn”, ông Lâm cảnh báo.
P.V