Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam

21:20 23/10/2020

Chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”.

 

 

Ảnh toàn cảnh

Chương trình có sự tham dự của ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam; ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng ban thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Heineken Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Nhi - Quản lý cấp cao – Phòng Đối ngoại và Phát triển Bền vững Công ty Unilever Việt Nam; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk và 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.

Hội thảo nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Kinh tế tuần hoàn - Phương thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; khu công nghiệp sinh thái – mô hình hiệu quả của kinh tế tuần hoàn; mô hình tuần hoàn trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiêp…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế tuần hoàn hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tích kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và BĐKH. Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đồng bào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

"Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Kinh tế tuần hoàn cũng là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi của mỗi nền kinh tế. Việc chuyển đổi còn giúp bảo vệ an ninh nguồn cung nguyên liệu, ứng phó với BĐKH, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT, kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề chất thải mà cần tiếp cận thực hiện 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm, bao gồm: Sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải , biến chất thải trở lại thành tài nguyên. Toàn khối EU đã đưa ra kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn từ năm 2015 thay thế cho Đề xuất lập pháp về vấn đề chất thải – sự thay đổi về mặt triết lý. Tại Việt Nam, nắm bắt được xu hướng và tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn cho phát triển của doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được các Bộ, ngành và các doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức.

Theo ông Chinh, hiện nay một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất chưa phải là một vòng đầy đủ của kinh tế tuần hoàn.

Để giải quyết vấn đề này, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn...

Gia Gia