Kịch bản nào để “chạm” tăng trưởng tối ưu?!

00:00 12/10/2020

Trước sự đe doạ quay lại của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2, các dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2020 đã tiếp tục kém lạc quan hơn. Nếu như kết thúc 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 4% được đánh giá là có thể thực hiện được, thì đến cuối tháng 7, các dự báo đã giảm xuống mức 3%. Đến nay với sự quay trở lại của Covid-19 tại một số địa phương, mức 3% đang ngày càng khó khăn.

Dự báo ngày càng khó khăn

“Cả một chương trình kích thích kinh tế vừa được đặt lên bàn để tính toán thực hiện, thì nay phải tạm dừng lại hết”, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã thốt lên đầy tiếc nuối sau cuộc họp thường trực Chính phủ ngay khi Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 26/7. Ông cho hay, nếu cả nước đi qua mốc 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, sẽ là cơ sở để Chính phủ tính toán thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kích thích kinh tế trong nửa cuối năm, chẳng hạn thận trọng và từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế đối với một số thị trường, khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên những kế hoạch này đều đang phải tạm gác lại để tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch Covid-19.

Vấn đề việc làm và an sinh xã hội tiếp tục được đặt lên hàng đầu

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cả trên thế giới và ngay tại Việt Nam, đã khiến các tổ chức liên tục điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng năm nay. Đơn cử Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngày 20/7, đã công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam với 3 kịch bản. Trong đó đối với kịch bản tích cực nhất, các hoạt động giao thương cả trong nước và quốc tế được mở cửa trở lại từ cuối quý III/2020, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam mới có thể đạt 4%. Tuy nhiên với diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, đơn vị này đang thiên về kịch bản tiêu cực nhiều hơn, khi sự xuất hiện trở lại các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt tại các thành phố lớn, làm ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, tâm lý tiêu dùng, đầu tư của người dân và DN, khiến đà hồi phục các hoạt động kinh tế -  xã hội bị ảnh hưởng rất đáng kể.

Với kịch bản tiêu cực này, dự báo doanh thu du lịch Việt Nam giảm đến 75-85%; xuất nhập khẩu giảm 5,5-8% so với mức không có dịch bệnh; lợi nhuận ngành vận tải - kho bãi giảm 10% (riêng hàng không giảm 65-70%); giải ngân FDI giảm 7-8%... “Nếu dịch bệnh không được nhanh chóng kiểm soát, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 1,5-2%”, báo cáo của BIDV nêu rõ. Dự báo này thấp hơn so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào cuối tháng 7, với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể đạt 2,8%.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc dự báo kịch bản cho tăng trưởng là vô cùng khó khăn vì các biến số đầu vào liên tục thay đổi. Ông Thành cho rằng chỉ có thể khẳng định 2 điều là năm nay mặc dù thế giới có khả năng tăng trưởng âm, song kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương; bên cạnh đó dù mức tăng trưởng là 2% hay 3% thì vẫn thuộc nhóm tốt nhất thế giới. “Thế nhưng đối với đất nước đang phát triển như Việt Nam thì tăng trưởng khoảng 3,5-4% trở xuống có thể coi là suy thoái rồi, vì nó không đủ hỗ trợ cho việc làm và các vấn đề xã hội”, ông Thành lo ngại.

Đầu tư công là cứu cánh

TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích, dự báo tăng trưởng kém lạc quan đi, đã kéo theo nhiều nguy cơ lớn lên đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020. Trong đó, vấn đề việc làm và an sinh xã hội đang được đặt lên hàng đầu. Dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến các khu sản xuất công nghiệp, do các chuỗi cung ứng chưa được tái thiết lại; các ngành nghề bị tác động mạnh ngay từ đầu dịch và chưa kịp phục hồi đã bị suy giảm trở lại, như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải… khiến thất nghiệp gia tăng.

Bên cạnh đó, các nguy cơ khác là gia tăng giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm do việc hạn chế đi lại, vận chuyển; mất ổn định trên thị trường tài chính do các phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư với bất ổn của môi trường kinh doanh quốc tế; biến động tỷ giá hối đoái đưa đến bất lợi cho xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng động lực chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm vẫn sẽ là giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, cần thúc đẩy những công trình đã được phê duyệt, hoặc các công trình mới dựa trên đi vay; cùng với các công trình hạ tầng nhỏ ở xã, phường để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần mở rộng các chính sách miễn thuế và giảm thuế theo hướng xếp hạng các lĩnh vực, ngành nghề bị tác động ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi đại dịch; phân chia thành các nhóm theo mức ảnh hưởng để từ đó áp dụng các mức hỗ trợ (ví dụ miễn 100%, giảm 50% hoặc giảm 20%). 

TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cũng nhấn mạnh, để kích thích tăng trưởng trong thời điểm hiện nay thì vai trò của Chính phủ phải tăng lên. Do đó, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ông Lực khuyến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ gồm cả một số doanh nghiệp lớn và vừa trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch… mà hiện nay nhiều nước cũng đang làm, với tiêu chí và điều kiện hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra cũng cần rà soát các đối tượng trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như du lịch, vận tải - kho bãi, bán lẻ, dệt may, giáo dục đào tạo… để bổ sung kịp thời. Khi đó, tổng giá trị các gói hỗ trợ của Việt Nam có thể nâng lên khoảng 4-5% GDP. Đồng thời cần đề xuất cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Các chuyên gia khuyến nghị, một số giải pháp khác cũng cần được thực hiện song song. Như chuẩn bị tâm thế đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát. Tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có chọn lọc. Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, chăm sóc sức khoẻ… Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử.

Ngọc Khanh