Dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm: “Bức tử” nước mắm truyền thống

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra trong dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm là không hợp lý, gây khó khăn, thậm chí “tiêu diệt” nước mắm truyền thống.

Ngay trước thời gian ban hành, Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm TCVN-12607:2019 (viết tắc là Dự thảo TCVN-12607) đã vấp phải hàng loạt ý kiến phản đối từ các doanh nghiệp, Hội nước mắm truyền thống, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bởi nhiều quy định không phù hợp với thực tế.

Gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

Tiếp tục lên tiếng về những quy định tại dự thảo lần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam khẳng định tiêu chuẩn này chưa ổn và dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

“Hiện tại, chúng ta đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02 -16:2012/ BNNPT NT về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng khi soạn thảo dự thảo lần này, đại diện ban soạn thảo lại không tham khảo các tiêu chuẩn đó. Điều này dẫn đến tình trạng các định nghĩa thuật ngữ trong dự thảo không đúng thực tế.

Thêm vào đó, dự thảo đưa ra khái niệm mới là nước mắm nguyên chất. Khái niệm này không phân biệt rõ nước mắm và nước mắm pha chế nên có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn”, ông Hùng nói.

Đáng nói, theo quan điểm của ông Hùng, nếu đánh lẫn khái niệm nước mắm và nước mắm pha chế, thì hệ lụy sẽ còn dài, làm mất nghề truyền thống

Do đó, ông Hùng khẳng định về lâu dài, để nước mắm truyền thống có thể phát triển, cần làm riêng tiêu chuẩn cho nước mắm, và nước mắm pha chế công nghiệp.

Về vấn đề này, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cảnh báo, khi không đáp ứng được các yêu cầu mà tiêu chuẩn đặt ra, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống có nguy cơ bị đẩy đến tình trạng không tự mang sản phẩm truyền thống ra bán trên thị trường được mà trở thành các nhà cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất nước mắm công nghiệp lớn.

Có ẩn ý gì đằng sau?

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết Thái Lan đã hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp nhỏ phát triển sản phẩm rất tốt. Trong khi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 được xây dựng lại ảnh hưởng có hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam.

“Vậy liệu có ẩn ý gì đằng sau chuyện này không? Tôi đề nghị dừng ngay việc ban hành TCVN để xin thêm ý kiến”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết khẳng định nhiều nội dung tại dự thảo lần này quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm.  Đồng thời, cơ quan quản lý đã “đồng hóa” nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Nước mắm chỉ có cá và muối được gọi là nước mắm nguyên chất, còn nước mắm truyền thống ở các làng nghề gồm cá, muối, đường, bột ngọt bị xếp chung với nước mắm công nghiệp (gồm nguyên liệu nước mắm như trên pha nước cho thêm chất tạo ngọt, chất điều vị, chất tạo sánh, chất bảo quản, hương nước mắm, phẩm màu).

Nhiều chuyên gia đề nghị dừng ngay việc ban hành TCVN để xin thêm ý kiến.

Ông cũng đưa ra kiến nghị không gọi các sản phẩm có sử dụng chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu là “nước mắm” mà là “nước mắm công nghiệp” hoặc “nước mắm pha chế”, “nước chấm” tùy theo độ đạm để không nhập nhèm với nước mắm truyền thống. Vì nếu áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn như dự thảo sẽ triệt tiêu tất cả làng nghề nước mắm lâu đời ở Việt Nam.

Trước những bất hợp lý xung quanh quy định về quản lý nước mắm, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, kiến nghị tạm dừng ban hành TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm để tiếp tục lấy ý kiến góp ý đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý, các cấp thẩm quyền cần khảo sát thực tiễn, tổ chức các hội thảo khoa học lấy ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trước khi ban hành quy định TCVN này.

Minh Vân