Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong dịch bệnh

00:00 12/10/2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự báo nhu cầu mua hàng có thể tăng cao, các doanh nghiệp (DN) phân phối bán lẻ đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2 - 3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân.

Hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân. Ảnh: T.D

Đủ hàng hóa phục vụ người dân

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đã làm việc với các DN cung cấp trên địa bàn để theo dõi năng lực sản xuất và xác nhận đủ nguồn cung cho nhu cầu toàn thành phố ngay trong tháng 8/2020, với 21,9 triệu khẩu trang vải, hơn 9 triệu khẩu trang y tế, 2 triệu chai nước rửa tay. Thành phố cung cấp 2.822 điểm bán lẻ, hàng hóa dồi dào, bảo đảm cung cấp đủ theo nhu cầu tiêu dùng. Đến thời điểm này, không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, hiện các DN tăng công suất sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được chuẩn bị sẵn sàng với mức tăng 30% - 50%. Các DN cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân đến hết quý 2/2020, kể cả trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, trong đợt dịch Covid-19 mới này, tuy người tiêu dùng không tăng tích trữ nhưng doanh số vẫn tăng nhẹ vì yếu tố tâm lý. Trong đó, nhu cầu tập trung nhiều các dòng sản phẩm có tính tiện lợi cao như: Cháo tươi, Bữa ăn tươi (cơm chiên, mỳ ý,...) Vì vậy, trong vai trò là một đơn vị cung cấp thực phẩm chế biến sẵn, Sài Gòn Food đã nhận lãnh trách nhiệm phải cung cấp sản phẩm đầy đủ và kịp thời, sao cho người tiêu dùng Việt Nam nói chung và khách hàng của Sài Gòn Food không phải hoang mang lo lắng vì thiếu thực phẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, trong tình hình hiện nay, mặc dù chi phí sản xuất tăng do lượng nguyên liệu dự phòng và hàng tồn kho tăng nhưng năng lực sản xuất của công ty vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng cao do người dân có xu hướng dự trữ hàng hóa (ngắn hạn). Hiện mỗi ngày công ty cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn thực phẩm tươi sống và 80 tấn thực phẩm chế biến.

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của các hệ thống siêu thị lớn Co.opmart và Big C, qua đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân có thể sẽ tăng khi dịch bệnh có diễn biến xấu nên các DN đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2 - 3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân. Các DN cũng đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn hệ thống các cửa hàng trực thuộc như tăng lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực siêu thị...

Hàng Việt chiếm ưu thế

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trải qua thực tế của đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, một trong những điểm sáng là thị trường nội địa đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, y tế… Kết quả khảo sát từ Nielsen Việt Nam công bố gần đây, phần lớn người tiêu dùng Việt chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này xuất phát từ thực tế nhiều DN trong nước đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa, thay đổi hình thức bao bì, nhãn hàng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân trong nước.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN sản xuất trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, sau khi chuyển sang tập trung cho thị phần nội địa, đã duy trì và phát triển khá ổn định. Đơn cử như Công ty cổ phần Sài Gòn Food, hiện vẫn duy trì công suất sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản, hải sản đông lạnh, cháo tươi... đạt 30 tấn/ngày, trong 6 tháng đầu năm doanh thu của công ty tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tăng mạnh trong những tháng cao điểm.

Còn Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) mạnh tay hơn, khi tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội, dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300%. Riêng Công ty Vissan, vốn tập trung chính thị trường nội địa, đã có mức tăng trưởng ngoạn mục trong khoảng thời gian gần đây; lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15%-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20%...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các DN cho biết sẽ tiếp tục chiến lược tập trung khai thác thị trường nội địa với các mặt hàng đảm bảo chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh kênh bán hàng online phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa dịch.

Song song với bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, ổn định thị trường để tập trung phòng, chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM nói riêng và các tỉnh thành nói chung cũng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm về nâng giá hàng thiết yếu hay sản xuất, cung ứng hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các điểm mua sắm công cộng như siêu thị, chợ truyền thống cũng đã được kích hoạt.

Thu Dịu