Chuyện những người khởi nghiệp

00:00 12/10/2020

Khởi nghiệp (startup) là câu chuyện không mới ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Con số startup Việt cũng tăng mạnh theo từng năm. Thế nhưng, con đường khởi nghiệp với nhiều người không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Bên cạnh những startup thành công, cũng có không ít người phải nếm mùi thất bại vì còn thiếu những kỹ năng cần thiết...

Thành công từ mô hình nước ngoài

Theo số liệu được thống kê và công bố bởi cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) qua báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019", số lượng startup đã tăng trưởng phi mã, từ 400 năm 2012 lên 3.000 trong năm 2017 và chắc chắn hết năm 2019 con số này sẽ bỏ xa hơn 3.000 startup. Có những startup không chỉ thành công ở thị trường trong nước, mà còn đạt được thành tích đáng nể khi gọi vốn nước ngoài. 

Tổng Giám đốc WeFit Nguyễn Khôi, một trong những startup thành công ở lĩnh vực ứng dụng di động.

Câu chuyện của WeFit gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A (vòng cấp vốn đầu tiên) từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư khác vẫn còn được nhắc đến. WeFit là nền tảng ứng dụng di động được thành lập cuối năm 2016, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua ứng dụng của WeFit, người dùng có thể tìm kiếm và đặt lịch tại những phòng tập thể dục thể thao hay các địa điểm dịch vụ làm đẹp. Không chỉ người sử dụng được lợi, nhà cung cấp dịch vụ cũng được hưởng tiện ích nhờ tiết kiệm một phần chi phí vận hành và quảng cáo, đồng thời tăng lượng người quan tâm qua truy cập WeFit.

Người sáng lập, cũng là Tổng Giám đốc WeFit có tuổi đời khá trẻ, sinh năm 1991 - Nguyễn Khôi - cựu sinh viên Học viện Công nghệ Illinois (Mỹ) ngành Computer Engineering (kỹ sư máy tính). Nguyễn Khôi cho biết, WeFit được học hỏi từ ClassPass - một mô hình chia sẻ phòng tập thể dục tiên phong thành công của Mỹ. Việc các startup học tập mô hình kinh doanh thành công ở nước ngoài khá phổ biến hiện nay, không chỉ với Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. 

Nguyễn Khôi không phải là người đầu tiên mang mô hình kinh doanh thành công ở nước ngoài về Việt Nam. Câu chuyện của nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Netlink Nguyễn Văn Dũng, chủ nhân của nền tảng trực tuyến Luxstay kết nối chủ nhà với những người có nhu cầu thuê nhà trong ngắn hạn hiện cũng là cái tên khá nổi. Nguyễn Văn Dũng cho biết, anh bắt đầu ấp ủ kế hoạch thực hiện một điều gì to lớn hơn sau 12 năm kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến. Từ đó, ý tưởng về một nền tảng kết nối “home-sharing” (chia sẻ nơi ở) được ra đời. Ðây là tiền đề tạo nên Luxstay ngày nay. Luxstay đã có hơn 3 vòng gọi vốn thành công, tổng số tiền huy động khoảng 6 triệu USD. Hiện công ty có sản phẩm trải dài ở hầu hết tỉnh, thành phố, địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, đồng thời đang phối hợp với các đối tác chiến lược để mở rộng sản phẩm cung cấp tại nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc...

Nguyễn Khôi hay Nguyễn Văn Dũng chỉ là 2 trong số hàng trăm startup Việt đã thực sự có thành công nhờ học hỏi các mô hình ở nước ngoài. Tại chương trình khởi nghiệp “Shark Tank Việt Nam” - Thương vụ bạc tỷ được phát trên kênh VTV3 vào 20h30 tối thứ tư hằng tuần có thể thấy không ít ý tưởng khởi nghiệp mới học từ nước ngoài. Những con số của chương trình này quả thật khiến không ít người ngạc nhiên khi có tới 772 tỷ đồng được cam kết đầu tư sau 3 mùa chương trình được tổ chức cho 77 startup và số tiền được cam kết đầu tư cao nhất cho 1 startup là 138 tỷ đồng. 

"Thất bại là mẹ thành công"

Thế nhưng, con đường cho các startup không chỉ có hoa hồng, nhiều người đã phải nếm thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn và cả kỹ năng vận hành. Trong báo cáo của Austrade cũng đã nêu ra những thách thức của khởi nghiệp Việt Nam. Đó là khả năng tiếp cận tài chính - thuyết phục các nhà đầu tư, tài năng và kỹ năng điều hành, khả năng kinh doanh, vấn đề sở hữu trí tuệ… Nhiều startup chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, dù Việt Nam nằm trong tốp 3 Đông Nam Á về số lượng startup. Các lưu ý chính cho nhà đầu tư gồm lĩnh vực thanh toán điện tử dù rất triển vọng nhưng đã có nhiều đơn vị tham gia; việc tìm kiếm và đào tạo các nhà sáng lập tài năng nội địa còn khó khăn. 

Cũng bởi thế, con số startup thất bại không nhỏ. Chị Lê Hoài Phương (ngõ Văn Chương, Hà Nội) là một trong số đó. Khởi nghiệp là chủ một cửa hàng hoa, mang tham vọng mở một chuỗi cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, thế nhưng, chỉ sau hơn một năm, cửa hàng đã phải đóng cửa. Chị Phương cho hay: "Thất bại lớn nhất của tôi là lao vào mở cửa hàng mà chưa tìm hiểu kỹ. Từ thất bại này tôi nhận ra rằng, để có thể thành công thì phải tìm hiểu kỹ về lĩnh vực đầu tư, đánh giá nhu cầu thị trường, đặc biệt là khu vực mình muốn đầu tư. Hơn hết, startup phải chuẩn bị nguồn vốn đủ để duy trì hoạt động kinh doanh cho 1-2 năm, bởi thời gian để tạo dựng thương hiệu không phải ngắn, nên nếu nguồn vốn eo hẹp, các startup sẽ có nguy cơ phải dừng giữa đường".

Không riêng chị Lê Hoài Phương, nhiều startup nhỏ khác cũng “đứt gánh” nửa đường. Chẳng hạn với mô hình homestay (ở nhà người dân khi đi du lịch), sau một thời gian “làm mưa làm gió” trở thành làn sóng ở Hà Nội, thời gian qua nhiều chủ homestay đã tính đến chuyện chuyển nhượng. Trên thực tế, nếu chỉ mở 1-2 căn hộ nhỏ làm mô hình này, chủ nhân có nhiều nguy cơ thất bại, ngay cả khi ở khu vực thu hút nhiều khách nhất. Ngoài tiền thuê nhà, các chủ nhân sẽ phải chịu những chi phí như thuê người dọn dẹp, điện, nước, chưa kể những phát sinh như hỏng điều hòa, hỏng nước trong quá trình vận hành. Anh Vũ Đạt, chủ homestay ở 19 Chân Cầm và 8A Ngô Quyền cho biết, do xu hướng mở mô hình này quá nhiều, lại thiếu kinh nghiệm, nhiều người đã phải sớm chia tay. Nếu thực sự muốn mở homestay, cần chuẩn bị đủ tài chính và phải mở theo chuỗi, với ít nhất 5 căn hộ trong cùng khu vực để có thể tiết kiệm chi phí. 

Sự khởi đầu chưa bao giờ là đơn giản. Vì thế, các startup không nên nản lòng khi đối mặt với sự đổ vỡ giữa chừng. Có lẽ nhiều startup đã hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn thông điệp này qua lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp được tổ chức gần đây: "Trong những câu chuyện thành công về khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, có một số điểm chung để khởi nghiệp thành công, đó là đam mê, khát vọng, dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là không sợ thất bại. Nếu sợ thất bại thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công”.

HÀ LINH