Bóng đá đâu chỉ là... đá bóng!

00:00 12/10/2020

Bản quyền truyền hình bóng đá ngày càng tăng, nhất là với các giải đấu có đội tuyển Việt Nam tham dự vào lúc này. Chuyện chẳng lạ. Nhưng cái giá 7 tỷ đồng phải chi để chỉ xem thầy trò HLV Park Hang Seo đá giao hữu có 2 trận trên sân khách thì dường như là... đắt lè lưỡi!

King's Cup không phải là sân chơi xa lạ. Vào năm 2006, dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Alfred Riedl, đội tuyển Việt Nam từng dự giải giao hữu này trên đất Thái và đã đi tới trận chung kết để rồi thua đội chủ nhà với tỷ số 1-2. Cuộc đối đầu Việt - Thái lúc đó đương nhiên là cũng đã nóng, nhưng chưa đến mức... nóng quá, bởi lẽ người Thái vẫn đang quá mạnh và King's Cup cũng chỉ là giải đấu giao hữu diễn ra trên sân nhà của họ.

13 năm đã trôi qua, vị thế của 2 nền bóng đá giờ đã khác với câu hỏi - Ai mới thực sự là số 1 của làng cầu khu vực? Chỉ trong vòng 2 năm qua, dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Park Hang Seo, bóng đá Việt như "lột xác" bằng hàng loạt kỳ tích trên đấu trường quốc tế, trong đó đáng kể nhất là chức vô địch AFF Cup 2018, giải vô địch Đông Nam Á mà chính người Thái đang giữ ngôi vương. Chiều ngược lại, dù thừa nhận đang rơi vào cuộc khủng hoảng thành tích, nhưng Thái Lan vẫn tự tin là nền bóng đá mạnh nhất và phát triển nhất tại khu vực.

Chính vì lẽ đó, cuộc đối đầu Việt Nam - Thái Lan được chờ đợi hơn bất cứ lúc nào từ cả hai phía và nó lý giải tại sao người Thái mời bằng được đội bóng của HLV Park Hang Seo tham dự giải King's Cup năm nay. Thậm chí, để tăng thêm nhiệt cho cuộc tỷ thí phân ngôi vương, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan còn làm điều chưa từng có trong tiền lệ bóng đá quốc tế - thay đổi toàn bộ kết quả bốc thăm King's Cup 2019 để hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan gặp nhau ngay ở trận khai màn vào ngày 5/6 tới.

Sức nóng chuyên môn của King's Cup và trận cầu đinh giữa 2 đại diện hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á là không thể phủ nhận. Chưa kể trong số khách mời dự giải đấu giao hữu có tuổi đời lên tới 51 năm này còn có đội tuyển Ấn Độ, đội bóng từng gây bất ngờ lớn khi thắng chính Thái Lan ở giải vô địch Asian Cup đầu năm 2019.

Có quá nhiều "món nợ" mà người Thái phải trả và đó cũng là lý do Liên đoàn Bóng đá Thái Lan triệu tập thành phần mạnh nhất cho đội tuyển quốc gia ở giải giao hữu này, trong đó có những cái tên thành danh ở châu lục, hay thế giới như: Thủ thành Kawin Thammasajanan (CLB Oud-Heverlee Leuven của Bỉ), hậu vệ Theerathorn Bunthaman (Yokohama F. Marinos, Nhật Bản), các tiền vệ Chanathip Songkrasin (Sapporo, Nhật Bản), Thitiphan Phupchan (Oita Trinita, Nhật Bản)...

Nhưng nếu chỉ nóng về chuyên môn, thì King's Cup 2019 chưa hẳn... đã nóng! Xét cho cùng thì đây cũng chỉ là 1 giải đấu chỉ mang tính chất giao hữu và cả 4 đại diện có mặt gồm chủ nhà Thái Lan cùng 3 khách mời Việt Nam, Curacao, Ấn Độ đều không phải là những đội bóng có thứ hạng cao trên thế giới.

Nóng là bởi cái cách mà người Thái hô biến King's Cup trở thành món hàng cực kỳ đắt giá. Cụ thể, từ một giải giao hữu không nhận được nhiều sự quan tâm, phát sóng miễn phí trên Youtube, bản quyền truyền hình King's Cup 2019 vừa được một đơn vị trong nước mua với cái giá theo nhiều nguồn tin lên tới gần 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng). Cũng phải nói thêm, các mùa trước, bản quyền King’s Cup chỉ vào khoảng 30.000 - 50.000 USD.

Thay cho lời kết

Những bước tiến của bóng đá Việt Nam là không thể phủ nhận, chỉ có điều đó vẫn cứ là câu chuyện loay hoay của những người... đá bóng, vẫn nặng về chuyện thành tích đơn thuần trên sân cỏ. Cái cách mà người Thái nâng tầm 1 giải đấu giao hữu nhắc chúng ta thêm bài học nữa về kinh doanh bóng đá, môn thể thao được xem là ngành công nghiệp nếu biết kiếm tiền từ nó. Đó mới là cái gốc cho sự phát triển

King’s Cup 2019 có sự tham dự của 4 đội tuyển, bốc thăm phân cặp thi đấu. Ở ngày khai mạc 5/6, Ấn Độ gặp Curacao (15h30), còn Thái Lan sẽ gặp Việt Nam (19h45). Hai đội thắng sẽ vào chung kết và hai đội thua tranh hạng Ba cùng diễn ra vào ngày 8/6.

Ngọc Minh