5 vấn đề pháp lý mà founder cần chú ý khi startup

00:00 12/10/2020

Với các startup trong giai đoạn đầu hoạt động, thứ cần quan tâm không chỉ là sản phẩm, vốn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu… mà còn là các vấn đề pháp lý, bởi nếu không hiểu đúng và đủ, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.

Thường các founder khi khởi nghiệp thường là tập hợp một số an hem, bạn bè thân thiết, chung chí hướng, có ý tưởng hùn vốn làm ăn. Sự eo hẹp về tài chính giai đoạn đầu khiến startup tìm mọi cách tiết kiệm chi phí và thường không chú trọng vấn đề pháp lý.

Tuy nhiên, khi startup bắt đầu phát triển hay gọi được vốn thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề với những thỏa thuận miệng kiểu “người góp vốn – người góp chất xám, người làm sản phẩm – người phụ trách kinh doanh”. Và một khi người giữ công nghệ tách khỏi công ty mà không chuyển giao công nghệ, khi không còn cái lõi, có nghĩa là công ty đó hết giá trị và có thể phải đối mặt với việc đóng cửa. Dưới đây là năm lỗi mà startup thường gặp liên quan đến pháp lý.

Không đăng ký vốn không đúng với số vốn góp thực tế

Do chưa có quy định chứng minh việc góp vốn thực nên một số doanh nghiệp đăng ký “tùy hứng” hoặc “để thể hiện tầm vóc của công ty”. Theo quy định của pháp luật thì ngoài việc bị xử phạt hành chính với khung từ 20-30 triệu đồng, thì doanh nghiệp có thể gặp rắc rối liên quan đến kê khai thuế.

“Có doanh nghiệp đăng ký vốn cao hơn thực tế nhưng chưa góp đủ theo quy định. Trong báo cáo thuế, khi doanh nghiệp kê khai lãi trả ngân hàng hằng tháng vào chi phí sẽ bị cơ quan thuế gạt ra với luận điểm: ‘Vốn mà các cổ đông đóng góp vẫn chưa hết so với vốn đăng ký nên việc vay ngân hàng là không hợp lý”. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang lỗ chuyển sang lãi và đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế bổ sung, thậm chí là phạt” – Luật sư Lê Văn Hồi giải thích và đề nghị các công ty nên đăng ký vốn đúng thực tế.

Không có thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty ngay từ khi thành lập

Đây là vấn đề thường gặp ở các startup khi chỉ thỏa thuận miệng giữa các founder và không quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên. Điều này sẽ gây ra không ít rắc rối cho những hoạt động về sau. Ví dụ, những cổ đông góp 30% vốn nhưng mang về nhiều hợp đồng, doanh thu sẽ được chia lợi nhuận như thế nào với cổ đông góp 70% vốn?

Theo các luật sư, thỏa thuận cổ đông và điều lệ công ty là hai văn bản phải có ngay khi công ty thành lập. Trong đó, thỏa thuận cổ đông được lưu hành nội bộ, ghi những điều khoản chỉ các sáng lập viên biết, có ý nghĩa như hợp đồng ràng buộc các bên với nhau, quy định về quyền lợi kinh tế và quyền kiểm soát công ty. Thỏa thuận có thể quy định: mỗi bên đóng góp bao nhiêu cổ phần, thời điểm góp là bao nhiêu, nếu một trong hai bên muốn rút vốn thì cần ưu tiên bán cho bên còn lại với giá bao nhiêu?… Đối với quyền quyết định hoạt động trong công ty, tùy vào số vốn đóng góp của từng cá nhân. Ví dụ, các hợp đồng có giá trị trên 500 triệu hay sửa đổi điều lệ công ty phải thông qua ý kiến 100% cổ đông, những hợp đồng có giá trị nhỏ hơn do giám đốc điều hành quyết định…

Trong khi đó, điều lệ có ý nghĩa như hiến pháp của công ty và có thể công bố với đối tác. Khi kí các hợp đồng giá trị cao, thông thường các công ty sẽ dựa theo điều lệ công ty để biết được, những nhân sự nào có quyền ra quyết định và đảm bảo tính hợp pháp trước pháp luật.

 Không đăng ký bảo hộ cho tài sản trí tuệ từ giai đoạn đầu và có quy định rõ về việc chuyển giao công nghệ từ sở hữu cá nhân sang sở hữu công ty

Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đã phải trả cái giá rất đắt trong khi chi phí đăng ký ban đầu không hề lớn. Về luật nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu mà công ty sử dụng dấu hiệu trùng, gây nhầm nhẫn hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó thì được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Kê khai thuế không đúng quy định

Một điểm khác mà doanh nghiệp khởi nghiệp hay gặp phải là kê khai thuế không đúng quy định, và “bị phạt do thiếu hiểu biết”. Do giai đoạn đầu chưa có nhiều vốn lại chỉ quan tâm tới việc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường nên doanh nghiệp thường tự kê khai mà không thuê kế toán chuyên nghiệp. Ví dụ sau khi thành lập doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài và nộp kê khai hàng quý lên cơ quan thuế.

Do chưa có doanh thu giai đoạn đầu nên không ít startup cho rằng không cần kê khai. Theo luật, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định. Điều này khiến nhiều startup sau vài năm mở doanh nghiệp muốn đóng cửa gặp rất nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp bị phạt cả trăm triệu đồng vì chậm nộp thuế, không nộp hồ sơ kê khai thuế vài năm liền.

Sử dụng các mẫu hợp đồng thương mại có sẵn trên internet

Đây là điều thường thấy trong nhiều startup chưa có bộ phận pháp chế. Tuy nhiên, những hợp đồng (hợp đồng lao động, kinh tế…) này không mang tính đặc thù cho từng nhóm công việc nên nếu gặp vấn đề sẽ bất lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Trên đây là những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể khiến startup chịu tổn thất nặng nề, trong khi chi phí ban đầu bỏ ra để chặt chẽ hóa nhỏ hơn rất nhiều. Vì vậy, các startup nên xem vấn đề pháp lý như một trong những yếu tố sống khi khởi nghiệp.

Hàn Mai