Ý nghĩa tượng trưng của con giáp Sửu trong phong thủy

16:33 09/01/2021

Con trâu là con vật hiền lành, chăm chỉ, gắn liền với cuộc sống của người dân ở làng quê Việt Nam. Con Trâu cũng là con vật nằm trong số 12 con giáp ở vị trí thứ 2, sau con Chuột. Vậy ý nghĩa của con trâu trong phong thủy như thế nào?

Con trâu – một biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Dân gian ta có câu “Con Trâu là đầu cơ nghiệp”. Chỉ một câu nói trên cũng đã đủ chứng tỏ vị trí và tầm quan trọng của con trâu trong mỗi gia đình cũng như trong nền văn hóa của dân tộc ta.

Con trâu gắn liền với cuộc sống của những người nông dân vùng quê, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước với hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Với bản chất hiền lành, chăm chỉ, cần cù, hòa đồng, con trâu đã trở nên phổ biến, gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người, từ già trẻ, lớn bé ở các vùng làng quê.

Hình tượng con Trâu gắn liền với cuộc sống của người dân vùng làng quê
Hình tượng con Trâu gắn liền với cuộc sống của người dân vùng làng quê (Ảnh Internet).

Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, xuất hiện trong những câu tục ngữ, thành ngữ, những câu ca dao, bài hát đồng dao của các em nhỏ, trở thành nguồn cảm hứng để các tác giả sáng tác nên những bài hát về con trâu như: “tậu trâu cưới vợ, làm nhà…”, “ruộng sâu, trâu nái”, “chín đụn mười trâu”, “Trâu ơi ta bảo trâu này-Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta-Cấy cày vốn nghiệp nông gia-Ta đây trâu đấy ai mà quản công- Bao giờ cây lúa còn bông-Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, “Ai bảo chăn trâu là khổ – Chăn trâu sướng lắm chứ”.

Những câu trên đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với sản nghiệp người nông dân cũng như mối quan hệ thân thiết của con trâu với con người. Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân. Từ lúc bé xíu, các cậu bé, cô bé đã biết chăn trâu, cắt cỏ giúp bố mẹ, vừa kết hợp mò cua bắt ốc hay đánh bài tam cúc, đánh thẻ. Lớn lên, các chàng trai, cô gái biết điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, khi về già, sức khỏe suy giảm các cụ ông, cụ bà lại vẫn tiếp tục dắt trâu, chăn nghé giúp con cháu.

Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, ca dao, tục ngữ, tranh Đông Hồ
Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, ca dao, tục ngữ, tranh Đông Hồ (Ảnh Internet).

Sở dĩ giữa con người và con trâu có có sự gần gũi, mối quan hệ thân thiết như những người bạn thủy chung, gắn bó như vậy vì giữa con trâu và con người có những đức tính rất giống nhau. Trâu hiền lành, chăm chỉ, cần cù, vất vả một nắng hai sương như người nông dân. Trâu thật thà, chất phác, hay chịu thiệt thòi. Trâu cũng rất mạnh mẽ, khỏe mạnh, vững chãi, là loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. 

Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu…như ở nước ta. Và như một lẽ tự nhiên, con trâu đã trở thành hình tượng trong các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca. Trong kí ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng, con trâu trong các bài thơ của các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến... 

Ý nghĩa của con trâu trong phong thủy

Trâu là con vật được biết đến rộng rãi, không chỉ vì bản tính ôn hòa, dễ dàng thích nghi với môi trường sống mà còn vì những ý nghĩa biểu trưng đặc biệt của loài vật này.

Trong văn hóa phương Tây, loài Trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Người ta coi những chiếc tù và làm từ sừng trâu là biểu tượng cho ngành bưu chính cổ đại. Họ thổi những chiếc tù và để thông báo mỗi khi giao hay nhận thư từ các buôn lái. Cặp sừng dài to, chắc khỏe của loài trâu xuất hiện nhiều trong thần thoại Hy Lạp hay Ai Cập, biểu tượng cho các vị thần bảo trợ với sự mạnh mẽ, sức mạnh khiến bao người phải sợ hãi.

Trong văn hóa phương Đông, đặc biệt ở Việt Nam, loài trâu biểu tượng cho sự hiền lành, cần cù, chăm chỉ, thật thà giống như bản chất tốt đẹp của con trâu. Qua hàng ngàn năm thay đổi và phát triển, sự quan trọng và ý nghĩa của con trâu vẫn không hề thay đổi.

Con trâu biểu tượng cho sự hiền lành, thật thà, chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó
Con trâu biểu tượng cho sự hiền lành, thật thà, chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó (Ảnh Internet).

Hơn nữa, con trâu còn biểu tượng cho sự mưu trí, thông minh qua việc con trâu đã thông minh đánh bại cả chúa tể sơn lâm là con Hổ trong câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” mà ông bà, cha mẹ thường hay kể cho các em nhỏ nghe.

Con Trâu cũng là một hình tượng trong mô típ trang trí truyền thống hay cầu may. Trâu mang ý nghĩa tâm linh kết nối với thần linh, thể hiện ước vọng của con người. Trâu còn mang biểu tượng của niềm hy vọng sung túc, giàu có, mong ước đến cuộc sống an lành.

Trong kinh tế, con trâu mang đến tài khí dồi dào, phát triển kinh tế, giúp thuận lợi, may mắn làm ăn trong các lĩnh vực kinh tế.

Người mang tuổi Sửu (tuổi Trâu) có đặc điểm gì?

Người mang tuổi Sửu (Trâu) sống tự tin trong mọi hoàn cảnh. Người tuổi Sửu có bản tính kiên định, thực tiễn, làm chủ bản thân, tự khép mình vào kỷ luật thép, không cho cơ hội khuất mình.

Người tuổi Trâu rất trung thực, thích giao du rộng rãi nhưng chỉ trong mối quan hệ đứng đắn và bền chặt, nhưng có nhược điểm là khó tự diễn đạt những tình cảm sâu kín và thích sống cô đơn, trọng danh dự hơn là yêu một người chưa tương xứng với mình.

Người mang tuổi Trâu rất điềm đạm, đang tin cậy và có ý chí cao
Người mang tuổi Trâu rất điềm đạm, đang tin cậy và có ý chí cao (Ảnh Internet).

Người “cầm tinh” con Trâu có những ”phẩm chất” như: điềm đạm, kiên nhẫn, kiên định, có ý chí cao và đáng tin cậy. Họ là những người đạt được thành công nhờ vào sự cần cù và chăm chỉ. Là người sống thiên về lý trí hơn tình cảm, họ là người thường tự hào về bản thân mình và ít khi chịu thỏa hiệp. 

Người tuổi Sửu lao động cần cù, làm ra tiền nhưng sống cần kiệm, tìm mọi cách để được cuộc sống an toàn, thanh thản. Ẩn mình sau bề ngoài khiêm nhường, nhưng không để ai nịnh bợ đánh lừa. 

Người tuổi Trâu có tính cách thích hợp để trở thành một nhà khoa học. 

Nguyên Phúc