Xuất khẩu trái cây trong tháng 5 ước đạt 600 triệu USD, tăng 39%

17:40 01/06/2023

Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 5 ước đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Với việc Trung Quốc tăng thu mua mạnh trở lại, đặc biệt khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường này được kỳ vọng sẽ giúp trái cây Việt tiếp tục bứt phá.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5 ước đạt 600 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 804,6 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất là Hà Lan (tăng 72,3%).  Xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì sự tăng trưởng khá cao từ đầu năm đến nay với mức 39%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá nguyên nhân giúp rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách Không COVID được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

Với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt vẫn bứt phá. Trong khi xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, thì Trung Quốc là thị trường giúp hoạt động xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp này tăng trưởng tốt những tháng đầu năm. Đặc biệt, các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, chuối... có mức tăng rất mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý 3-4/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, người dân cần tập trung vào loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, sản xuất có mã số, nâng cao chất lượng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ sẽ rất cao và trong thời gian ngắn với vải thiều chính vụ, tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; nhãn tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên; Sơn La cũng là vùng tập trung trồng xoài lớn nhất miền Bắc, còn lại sản lượng lớn ở các tỉnh phía Nam...

Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Ngọc Phi (TH)