Xuất khẩu rau quả “hụt hơi” đầu 2025, giảm gần 23% Tôm Việt “tăng tốc”, tập trung chế biến sâu nâng chất Ấn Độ đề xuất miễn thuế một số sản phẩm trong thỏa thuận với Mỹ |
Giá xuất nhiều mặt hàng tăng trên 2 con số
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố cho thấy, 4 tháng đầu năm, có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 5,2 tỷ USD, tăng 5,8%; cà phê 3,78 tỷ USD, tăng 51,1%; cao su 862 triệu USD, tăng 18,9%; tôm 1,24 tỷ USD, tăng 28,4%. Riêng gạo 1,75 tỷ USD, giảm 14,3%; hàng rau quả 1,62 tỷ USD, giảm 14,2%.
![]() |
Cà phê là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn trong 4 tháng đầu năm nay |
Điều đáng nói, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản đã tăng trên 2 con số, điển hình như: Cà phê 5.698 USD/tấn, tăng 67,5%; cao su 1.935 USD/tấn, tăng 30,2%; hạt tiêu 6.893 USD/ tấn, tăng 62,5%; hạt điều 6.808 USD/ tấn, tăng 27%.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản có tầm ảnh hưởng trên thị trường thế giới với nhiều mặt hàng có thị phần đáng kể; bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính sách hỗ trợ của nhà nước còn là sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức hơn trong đầu tư sản xuất, xuất khẩu; tuân thủ các quy định trong vai trò duy trì và mở rộng thị trường.
Chia sẻ thực tế trong công tác xuất khẩu mặt hàng cà phê, ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (sở hữu thương hiệu Miss Ede) - cho biết: Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù đã xuất khẩu được bằng bao bì và nhãn hàng riêng của mình nhưng để người tiêu dùng nước bạn chấp nhận sản phẩm mới thì doanh nghiệp cũng phải bỏ nhiều chi phí để triển khai các chương trình bán hàng, marketing.
Thực tế không chỉ EDE, thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đã làm tốt công tác phát triển thị trường; tuân thủ nghiêm quy định về quy hoạch vùng trồng, sẵn sàng thích ứng với quy định mới để chinh phục thị trường châu Âu.
Theo đại diện ngành nông nghiệp, việc hình thành ngày càng đậm nét các vùng chuyên canh tác nguyên liệu nông sản cho xuất khẩu giúp chất lượng nông sản của Việt Nam đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thông tin: 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản sang một số châu lục và thị trường tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 4,83 tỷ USD, tăng 12,6%; châu Âu 3,48 tỷ USD, tăng 37,7%; châu Phi 648 triệu USD, tăng 78,4%; châu Á đạt 8,82 tỷ USD, giảm 1,3% và châu Đại Dương 263 triệu USD, giảm 2,6%.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Mặc dù trong tháng 4/2025, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang Hoa Kỳ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính trong 4 tháng đầu năm nay Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng 20,5%, tăng 10,2%.
Tương tự, Trung Quốc trong tháng 4/2024 giá trị xuất khẩu giảm 9,7% so với cùng kỳ nhưng tính tổng 4 tháng vẫn chiếm 17,1%. Nhật Bản, trong tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu tăng mạnh tới 26,4% so với cùng kỳ đã nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 4 tháng tới quốc gia này chiếm 7,5%, tăng 23,3%.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp liên quan đến thương mại hàng hóa; theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản, biến động giá cả, kịp thời tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 4/2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án “Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”; ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao về công tác phát triển thị trường nông – lâm – thủy sản nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng; báo cáo tình hình diễn biến liên quan đến thương mại nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Đồng thời hướng dẫn điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông – lâm – thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị, tổ chức đoàn công tác về thúc đẩy hợp tác, tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Anh và Đức; theo dõi sát tình hình cung, cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu để có biện pháp can thiệp kịp thời không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. |