Xuất khẩu gạo trong năm 2023 được kỳ vọng đạt nhiều kỷ lục mới

16:24 16/06/2023

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 3,62 triệu tấn, tăng khá cao so với cùng kỳ nhiều năm trước là là 2,767 triệu tấn.

Tăng cao về lượng, đơn giá

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 3,62 triệu tấn, tăng khá cao so với cùng kỳ nhiều năm trước (cùng kỳ năm 2022 là 2,767 triệu tấn, năm 2021 là 2,591 triệu tấn, năm 2019 là 2,756 triệu tấn, năm 2018 là 2,945 triệu tấn...). Trong khi đó, lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng khác giảm, thậm chí có loại giảm sâu như than, chè, quặng và khoáng sản khác, linker và xi măng, phân bón, xơ sợi dệt...

Lượng gạo xuất khẩu tăng cao không phải do sản lượng tăng cao (trái lại năm 2022 còn bị giảm 2,7% nếu tính bình quân đầu người còn giảm sâu hơn khoảng 3,8%), chủ yếu do nhu cầu sử dụng giảm (mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người một tháng giảm còn 7,6 kg), lượng gạo nhập khẩu từ Campuchia vẫn khá cao (có thông tin lên đến gần 1 triệu tấn), nhập khẩu lúa mỳ năm 2022 khá cao (trên 3,92 triệu tấn), 5 tháng năm 2023 lên đến trên 2 triệu tấn...

Đơn giá xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay tăng khá so với cùng kỳ nhiều năm trước, đạt 529,4 USD/tấn (năm 2022 là 489 USD/tấn, năm 2019 là 429,1 USD, năm 2018 là 505,1 USD). Đơn giá tăng có nguyên nhân là nhu cầu của thế giới tăng trong khi cuộc chiến Nga - Ukraina làm giá lương thực đắt lên, có nguyên nhân là cơ cấu chất lượng gạo của Việt Nam được cải thiện...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt quy mô cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm (1,906 tỷ USD so với 1,353 tỷ USD của năm 2022, 1,406 tỷ USD của năm 2021, 1,185 tỷ USD của năm 2019, 1,488 tỷ USD của năm 2018...). Mức tăng so với cùng kỳ của 5 tháng này cao hiếm thấy (lên đến 563 triệu USD) do lượng tăng, giá tăng, cơ cấu gạo có chất lượng cao hơn.

Kỳ vọng đạt kỷ lục mới

Nếu sản lượng bình quân mỗi tháng trong 7 tháng còn lại của năm 2023 đạt 500.000 tấn, thấp xa so với đỉnh cao tháng 4 (trên 1 triệu tấn) và thấp hơn của tháng 5 (724.600 tấn) vì sản lượng các vụ sau thường không cao, thì sản lượng 7 tháng còn lại đạt 3,5 triệu tấn và cả năm 2023 sẽ đạt trên 7,1 triệu tấn, cao thứ hai từ trước đến nay. Nếu dự đoán đó là đúng, thì sản lượng gạo năm 2023 sẽ chỉ thấp thua kỷ lục đã đạt được vào năm 2012.

Về thị trường, 5 tháng đầu năm có 31 thị trường, thì 15 thị trường đạt trên 10.000 tấn, 6 thị trường đạt trên 100.000 tấn (lớn nhất là Philippines hơn 1,532 triệu tấn, tiếp đến là Trung Quốc 632.900 tấn, Indonesia trên 369.000 tấn, Malaysia trêm 185.000 tấn...) Có 25 thị trường tăng so với cùng kỳ, trong đó tăng khá (trên 1.000 tấn) có 17 thị trường, tăng cao (trên 10.000 tấn) có 8 thị trường, đặt biệt tăng rất cao (trên 100.000 tấn) có 3 thị trường (Indonesia tăng gần 346.000 tấn, Philippines tăng 263.000 tấn, Trung Quốc tăng trên 243.000 tấn).

Dư địa xuất khẩu gạo còn lớn, do biến đổi khí hậu trên toàn cầu, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều nước theo hướng giảm mạnh nông nghiệp, thu hẹp diện tích trồng cây lương thực (đặc biệt là Trung Quốc có dân số khổng lồ, Indonesia, Philippines, Malaysia...), do cuộc chiến Nga - Ukraine chưa biết đến bao giờ kết thúc...

Hơn nữa, Việt Nam nằm trong một số ít nước bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nên nguồn sản xuất không còn dồi dào như trước. Vì vậy, an ninh lương thực vẫn cần được tiếp tục quan tâm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước, trong khi nhu cầu của thế giới tiếp tục tăng... Cũng do vậy, cần rà soát xu hướng chuyển diện tích trồng lúa sang làm các việc khác, rà soát tình trạng thờ ơ với ruộng trồng lúa ở một số nơi, ngay cả ở những vùng trọng điểm lúa trước đây...

Theo Báo Đầu tư