Đã thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo của 10 doanh nghiệp Vì sao phải sửa đổi Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo? |
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 9,04 triệu tấn gạo với trị giá 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về lượng và 21,2% về kim ngạch so với năm 2023. 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt trên 3,43 triệu tấn, tương đương gần 1,77 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá trung bình đạt 515 USD/tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Con đường xuất khẩu gạo của Việt Nam còn nhiều thách thức |
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt gần 1,49 triệu tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2024. Bờ Biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, tăng 270,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 441 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 12,8%.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 113,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 362 nghìn tấn. Thị trường Ghana cũng ghi nhận mức tăng lớn với 85% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 304 nghìn tấn, chiếm tỷ trọng 8,8%.
Tuy nhiên cùng với những thuận lợi thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức. Từ thực tế các địa phương, doanh nghiệp đã chỉ ra, đó là: Thị trường chưa đa dạng, chi phí sản xuất vận tải tăng và cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Thái Lan; rào cản, hạn chế về kỹ thuật, chất lượng, chi phí vận chuyển logistic, công tác chế biến sâu, bảo quản, chính sách điều hành xuất khẩu gạo, công tác liên kết giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp chưa bền vững...
Bên cạnh đó, việc tận dụng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này còn rất hạn chế.
Cần thiết phải xây dựng nguồn nguyên liệu
Thực tế tại tỉnh Tiền Giang - tỉnh trọng điểm lúa của Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, xuất khẩu gạo của địa phương này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế bảo quản, chế biến, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu gạo nguyên liệu, thiếu các sản phẩm gạo chế biến sâu, phụ thuộc chính sách các nước xuất khẩu lớn, chi phí logistics cao…
Tiền Giang có trên 200 doanh nghiệp xay xát lúa - gạo với công suất trên 2,7 triệu tấn/năm. Hiện có 6 doanh nghiệp của tỉnh được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang đạt 6,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 182.264 tấn, với trị giá 116,51 triệu USD, tăng 3,91% về lượng và tăng 10,81% về trị giá so với cùng kỳ. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của tỉnh, chiếm 44,09% về trị giá; tiếp theo là Trung Quốc (17,94%), châu Phi (13,11%) và Hồng Kông (12,24%).
Những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo của Tiền Giang ước đạt 187.682 tấn, với trị giá ước đạt 92,46 triệu USD, tăng 154% về lượng và tăng 94,78% về trị giá so với cùng kỳ. Philippines tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm 50,80% về trị giá; Trung Quốc (23,14%) và Nam Phi (18,33%).
Chia sẻ tại Hội nghị về điều hành xuất khẩu gạo và lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP của Chính phủ, diễn ra mới đây, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi kiến nghị: Để ngành hàng xuất khẩu gạo phát triển bền vững, các thương nhân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn cung ổn định, nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền công nghệ và nâng cao năng lực chế biến cũng như đảm bảo về nguồn lực tài chính; tiến tới xây dựng thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nhà nước cũng cần sửa đổi những quy định về xuất khẩu gạo cho phù hợp.
Về phía Bộ Công Thương, cần có hướng dẫn cụ thể chứng từ kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến và đề xuất thuê công ty thẩm định giá đối với các nhà máy lâu năm không có hóa đơn đầu vào.
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến của các đại biểu phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu gạo; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Từ đó, đưa ra định hướng, giải pháp nâng cao tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất.
Trên cơ sở các ý kiến đó, đơn vị quản lý sẽ tiến hành cập nhật, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay, nhằm góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.