Xuất khẩu da giày của Việt Nam gặp khó khăn do đơn hàng giảm

23:53 10/06/2023

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine nên từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp ngành da giày lao đao, đơn hàng xuất khẩu giảm 60-70%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine nên từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp ngành da giày lao đao, đơn hàng xuất khẩu giảm 60-70%. Cùng với đó, thị trường nội địa cũng gặp khó khăn.

Theo ông Khánh, thời điểm này, các doanh nghiệp sẽ sản xuất đơn hàng cho mùa đông nhưng năm nay vô cùng khó khăn.

"Do đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động. Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh có khoảng 100 doanh nghiệp hội viên, hiện nay còn khoảng 50% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động. 50% doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động tạm ngưng hoạt động để chờ có đơn hàng", ông Khánh chia sẻ.

Từ quý IV năm ngoái, trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng khiến người dân giảm chi tiêu, hàng tồn kho các sản phẩm giày dép của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao, ảnh hưởng đến triển vọng đơn hàng trong nửa đầu năm nay.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến thị trường xuất khẩu, tuy vậy, Hiệp hội mong muốn hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA.

Không nằm ngoài tình trạng khó khăn, dệt may cũng là ngành đang phải đối mặt với tác động từ tình trạng lạm phát trên thế giới. Dù ngay trong tháng 1 và tháng 2, người lao động ngành dệt may đã hăng hái bắt tay vào sản xuất, nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết quý I nhưng ngành cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng bị sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao...

Theo dự báo, đối với ngành dệt may, tổng cầu thế giới 2023 chỉ tăng trưởng từ 2,5 đến 4% – tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và châu Âu.

Ngọc Phi (TH)