Xuất khẩu của Việt Nam giảm hai con số, sức mua hồi phục chậm

21:25 04/08/2023

Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm giá thành, trước nhiều khó khăn do đơn hàng giảm.

Số liệu báo cáo thống kê do Bộ Công Thương đưa ra về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 7 tháng đầu năm 2023 cho biết, đơn hàng giảm do những khó khăn chung của thị trường thế giới. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng vừa qua tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm ở mức hai con số.

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 7, xuất khẩu của cả nước thu về khoảng 29,68 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm hàng đều giảm. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến giảm 11,9%; nhiên liệu và khoáng sản giảm 16,4% còn nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 0,2%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều suy giảm trong 7 tháng vừa qua. Đơn cử, tại thị trường Mỹ giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thị trường EU giảm 9,9%; ASEAN giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 8,8%; Nhật Bản giảm 3,5%...

Ở chiều ngược lại, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể hơn, trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 16,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 17,7%.

Một số mặt hàng giảm mạnh, như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%...

Từ kết quả trên, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 1,34 tỷ USD).

Đánh giá tình hình chung, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.

Trong khi đó, hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là sức mua tại một số thị trường chủ lực giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ… Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thị trường, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Song song đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Ngọc Phi (TH)