Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS03 vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Anh, chiếm tới 92% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. Hiện tại, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ hai ngoài khối EU cho Anh về sản phẩm này, chỉ sau Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm nay, Anh có xu hướng giảm nhập khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam cũng như từ các thị trường khác.
Tại Anh, cá ngừ được tiêu thụ dưới nhiều dạng khác nhau như sơ chế, chế biến sẵn, sushi, dạng có sốt, bánh, hoặc tẩm bột. Trong số này, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp và đóng túi đang được tiêu thụ nhiều nhất nhưng có xu hướng giảm từ năm ngoái. Ngược lại, tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ dạng sushi và cá ngừ tẩm bột đang có xu hướng tăng. Đây là cơ hội để các nước gia tăng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp vào Anh.
Theo VASEP, trong phân khúc cá ngừ đóng hộp và đóng túi, Ecuador, Mauritius, Seychelles và Philippines hiện là bốn nguồn cung chính cho thị trường Anh, trong khi Việt Nam chỉ là nguồn cung nhỏ. Ecuador đã ký FTA với Anh, điều này tạo thuận lợi cho nước này tăng xuất khẩu nhờ đội tàu mạnh và nguồn cung cá ngừ dồi dào. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn với sản lượng đánh bắt thấp hơn và các quy định giới hạn về kích cỡ cá ngừ vằn, làm giảm nguồn cung cá ngừ vằn - nguyên liệu chủ lực cho ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cá ngừ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Anh trong các sản phẩm chế biến và đóng hộp. Cá ngừ thường được sử dụng trong các món ăn nhanh và nhiều bữa ăn khi đi du lịch. Theo thống kê của Seafish, 69% lựa chọn của người dân Anh trong nhóm thủy sản đóng hộp là cá ngừ. Ngoài ra, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác như salad, sốt phủ ăn kèm và bánh mì cũng rất được ưa chuộng.
Người tiêu dùng tại Vương quốc Anh cũng chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, cũng như các yếu tố về lao động, môi trường và tính bền vững của chuỗi giá trị sản xuất. Giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn cũng là những yếu tố quan trọng.
Với tình hình hiện tại, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất và chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Doanh nghiệp cần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, gia tăng các sản phẩm chế biến sâu, chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với quy mô doanh nghiệp và đặc trưng thị trường.
P.V (t/h)