Mục tiêu chính của kế hoạch là định vị giá trị sản phẩm nông sản Cần Thơ trên thị trường, phát triển thị trường tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm như lúa, gạo, rau, cây ăn quả và thủy sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng giống lúa Cần Thơ mới và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất an toàn là những bước quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu nông sản.
Hỗ trợ các cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp,… ứng dụng đồng bộ về giống và khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP,… Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, quảng bá các sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của thành phố.
![]() |
Các loại trái cây của Cần Thơ được trưng bày, giới thiệu tại một hoạt động triển lãm được tổ chức trên địa bàn thành phố. (Ảnh CTO) |
Về hợp phần cây lúa, tập trung vào việc chọn lọc giống lúa mới, thực hiện khảo nghiệm giống và tổ chức các hội thảo đầu bờ để đánh giá, lựa chọn các giống lúa triển vọng. Các mô hình trồng lúa cũng sẽ được xây dựng tại các địa phương trọng điểm như Thới Lai, Cờ Đỏ, và Ô Môn, giúp thử nghiệm và phát triển giống lúa phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương.
![]() |
Mô hình sản xuất “cánh đồng lớn” của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. (Ảnh CTO) |
Về hợp phần cây rau, thành phố sẽ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm rau an toàn, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm rau Cần Thơ. Đồng thời, sẽ tổ chức quảng bá thương hiệu sản phẩm rau thông qua các chương trình du lịch, hội chợ và các sự kiện giới thiệu sản phẩm nông sản tại các hội chợ trong và ngoài thành phố, nhằm tăng trưởng tiêu thụ và phát triển thị trường.
Đối với hợp phần cây ăn quả, thành phố sẽ tiếp tục lồng ghép hỗ trợ quảng bá các sản phẩm thông qua các chương trình quảng bá du lịch, ẩm thực Cần Thơ, các kỳ hội chợ, ứng dụng công nghệ số... tạo lực đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị thương mại cho các sản phẩm từ vườn cây ăn trái sản xuất tại Cần Thơ.
Vùng nuôi thủy sản đặc sản cũng sẽ là trọng tâm phát triển, trong đó bao gồm việc xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho các cơ sở nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhãn hiệu thủy sản Cần Thơ, đồng thời tăng cường quảng bá và xác minh nguồn gốc sản phẩm thủy sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.
Kinh phí thực hiện kế hoạch tổng cộng là 1.399.800.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm phần lớn. Các hoạt động được triển khai đồng bộ tại các quận, huyện của thành phố, nhằm phát triển nông sản thành phố Cần Thơ trở thành thương hiệu nổi bật trên thị trường trong và ngoài nước.