Tổng cục Thống kê cho biết từ đầu năm đến thời điểm 20/7, Việt Nam thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số dự án nhưng giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ.
Nhiều nguyên nhân cộng hưởng
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8%, trong đó có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) với giá trị vốn góp 5,70 tỷ USD và 3.654 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.
So với những tháng đầu năm luôn ghi nhận tăng hơn gấp đôi cho thấy nguồn vốn đăng ký qua hình thức đầu tư này cũng đang có xu hướng sụt giảm.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sụt giảm vốn đăng ký trong hơn nửa đầu năm 2019 có thể được nhìn nhận từ một số góc độ khác nhau.
Xét từ yếu tố bên ngoài, việc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam cần một thời gian nhất định. Do đó, ngay cả khi được đánh giá có lợi thế (tương đối) để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, số liệu vốn đăng ký trong các tháng đầu năm có thể chưa phản ánh đầy đủ. Trong khi đó, việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng có tác động phần nào tương đồng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Xét về yếu tố bên trong, Việt Nam vẫn đang cân nhắc, hoàn thiện định hướng thu hút FDI và quá trình này có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều còn có tâm lý “chờ đợi”. Việc ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu hao ít năng lượng là đúng đắn, song ưu tiên này cũng đòi hỏi thêm thời gian và tổn phí trong quá trình thẩm định dự án.
Điều đáng lưu tâm hơn nữa là dù dòng vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm, nhưng trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ lượng vốn lớn vào Việt Nam, với hơn 1,78 tỷ USD, đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 21% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Nếu cộng cả vốn từ vùng lãnh thổ Đài Loan 359 triệu USD và Đặc khu hành chính Hồng Kông là 3,1 tỷ USD, vốn đầu tư từ Trung Quốc cao gấp 2 lần vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, gấp gần 3 lần vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản và hơn 4 lần so với các nhà đầu tư Singapore.
Đáng chú ý, hiện nay, vốn Trung Quốc phân bố nhỏ lẻ. Theo Tổng cục Thống kê, với 1,78 tỷ USD, các nhà đầu tư Trung Quốc trải đều ra hơn 364 dự án, mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD (hơn 112 tỷ đồng). Vốn của nhà đầu tư Hồng Kông cũng chỉ trung bình 6 triệu USD/dự án, vốn của nhà đầu tư Đài Loan là 4 triệu USD/dự án.
Theo ông Dương, những chuyển dịch đầu tư gắn với xuất nhập khẩu gần đây, đặc biệt trong tương tác với các đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc, đặt Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ. Đặc biệt, chuyển dịch đầu tư bất thường từ Trung Quốc – đi kèm với gia tăng nhập khẩu từ nước này – có thể kéo theo lo ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các DN Trung Quốc lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ.
Đồng thời, xu hướng này cũng làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của DN FDI đối với DN trong nước – vốn đã hiện hữu trong nhiều năm.
Đã đến lúc phải sàng lọc lựa chọn đầu tư FDI
Không dễ sàng lọc FDI
Trong khi đó, Việt Nam không phân biệt đối tác đầu tư nhưng thách thức chính là làm sao cân đối giữa yêu cầu sàng lọc dự án đầu tư với việc giảm các chi phí chính sách không cần thiết cho hoạt động đầu tư.
Ông Dương cho rằng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không đơn giản, bởi Việt Nam không nên và không thể phân biệt đầu tư theo đối tác. Việc sàng lọc các dự án đầu tư phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là không dễ, chưa kể đến năng lực hấp thụ dòng vốn (do hạn chế về lao động, hàm ý đối với ổn định kinh tế vĩ mô…).
Theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, khi đất nước còn nghèo, lao động thiếu việc làm, Việt Nam có thể chấp nhận ưu đãi cho các DN FDI bằng mọi giá. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khả năng hấp thụ nguồn vốn trong nước không còn nhiều, đặc biệt liên quan tới nguồn lao động thiếu cả về số lượng và chất lượng, ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển và các rào cản liên quan tới môi trường đầu tư, đã tới lúc Việt Nam cần biết cách từ chối với luồng vốn FDI không còn phù hợp.
Việt Nam hiện đã có dự thảo về chiến lược thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn mới và Nghị quyết của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài nêu rõ mục tiêu thu hút nguồn vốn chất lượng và hiệu quả. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng với hệ thống pháp luật hiện tại, chắc chắn việc sàng lọc nguồn vốn FDI là rất khó vì không thể sàng lọc bằng ý thức chủ quan mà phải thông qua hệ thống văn bản pháp luật với tiêu chí hết sức cụ thể.
Hiện nay, ngay cả định nghĩa thế nào là công nghệ cao, công nghệ nguồn, mức ưu tiên vẫn chưa có. Chính điều này đã dẫn tới việc các địa phương chủ yếu nhận dự án trên việc nhìn nhà đầu tư chứ không phải chất lượng dự án.
Hay đối với luồng vốn đầu tư chất lượng cao, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng là đòn bẩy để Việt Nam thu hút luồng vốn đầu tư từ EU. Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, nhận định EVFTA sẽ tạo cú hích để DN châu Âu nhìn nhận đầu tư vào Việt Nam ở mức độ sâu hơn. DN châu Âu sẽ lấn sân sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, thương mại ở Việt Nam. Nói cách khác là đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu sản phẩm vào EU.
Đó là kỳ vọng, còn trên thực tế, các nhà đầu tư châu Âu vẫn e ngại đầu tư vào Việt Nam vì phải đối mặt với “rừng” rào cản thủ tục hành chính. Ông Minh đánh giá thủ tục hành chính ở Việt Nam còn nhiều bấp cập, chi phí thực hiện ở mức cao.
“EVFTA có điều khoản tạo điều kiện thương mại, đơn giản nhất là thủ tục hải quan, kiểm soát, quản lý hải quan, quá trình thông quan hàng hóa Việt Nam phải ở mức tạo thuận lợi cho DN châu Âu. Lúc đó, họ mới quyết định đầu tư vào Việt Nam”, ông Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Trong thời gian tới, việc thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Bộ KH&ĐT kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập DN, nâng khống giá trị máy móc thiết bị…
Lê Thúy