Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục mạnh mẽ sau cú sụt giảm do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan hồi đầu tháng 4/2025.
Kết thúc tuần giao dịch trước, VN-Index đã có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp, củng cố bởi thanh khoản cải thiện và đặc biệt là lực mua ròng kỷ lục hơn 5.000 tỷ đồng từ khối ngoại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự mạnh.
Tuy nhiên đến phiên đầu tuần hôm nay 7/7, VN-Index trên đà hướng tới vùng 1.400 điểm và thực tế kết phiên đã tái thiết lập mốc kỷ lục này khi dừng ở 1.402,06 điểm, tăng tới hơn 15 điểm. Đây là mức cao nhất trong hơn 3 năm, kể từ ngày 19/4/2022. Như vậy chỉ trong vòng hai tháng, chỉ số sàn HOSE không chỉ lấy lại mốc tâm lý 1.300 điểm mà còn chinh phục thành công ngưỡng 1.400 điểm.
Cả phiên, giá trị thanh khoản trên sàn HOSE tăng đột biến với hơn 28.290 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD). Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (3 sàn HOSE, HNX và UPCoM) đạt hơn 31.150 tỷ.
Tính chung cả ba thị trường, có tới 489 mã tăng điểm, áp đảo so với 260 mã giảm điểm.
![]() |
Sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm ngành trong phiên giao dịch tâm lý 1.400 điểm, riêng nhóm tài chính và chứng khoán dẫn dắt thị trường. (Nguồn: Vietstock). |
Xét trên sàn HOSE, độ rộng thị trường càng về cuối phiên càng được nới rộng. Riêng nhóm VN30 có tới 28 mã trong tổng 30 mã tăng điểm từ 1% - hơn 3% so với tham chiếu. Chỉ có 2 mã là BVH của Tập đoàn Bảo Việt và PLX của Petrolimex giảm nhẹ lần lượt 0,73% và 0,4%. Rổ VN30 cũng xác lập kỷ lục thanh khoản trong với hơn 14.250 tỷ đồng được giao dịch, đưa chỉ số VN30 vượt 1.508 điểm.
Dẫn đầu thanh khoản rổ VN30 là cổ phiếu SHB với hơn 249.681 đơn vị được khớp lệnh. Mã này kết phiên tăng kịch trần lên mức giá 13.900 đồng/cp và trở thành cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất phiên.
Xét theo mức đóng cửa, SHB đã vượt qua đỉnh đầu tháng 6 và lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022.
Không chỉ vậy, trong 10 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường thì đa số đều thuộc nhóm VN30 và toàn là các mã tăng giá mạnh: VPB tăng 2,93%, HPG tăng 1,51%, SSI tăng 1,54%, HDBank tăng 3,33%,...
![]() |
Top 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất phiên 7/7. (Nguồn: Stockbiz). |
Ngoài rổ blue-chips, rất nhiều cổ phiếu khác cũng gây ấn tượng mạnh với thanh khoản cao. VIX xếp ngay sau SHB về thanh khoản khi tăng 2,06% và cũng là cổ phiếu đạt thanh khoản cao nhất nhóm chứng khoán.
Trong nhóm chứng khoán, ngoài VIX còn có HAC tăng trần 10%, SHS tăng 4,4%, BMS 3,5%, VDS 3,1%, PSI 2,9%,...
Nhóm bất động sản có nhiều mã kết phiên tại giá trần như V21, LGL, TCH, VPH, PTL, LDG. Một số mã tăng mạnh khác gồm VRG 9%, CEO 5%, TN1 4,6%, NRC 4,1%.
Ngoài ra, sắc xanh ghi nhận ở nhiều cổ phiếu nhóm nguyên vật liệu và tiêu dùng. Ngược lại, ngành công nghiệp và năng lượng ghi nhận diễn biến phân hóa.
Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng mạnh 1.232 tỷ đồng trên sàn HOSE, tương đương gần 68 triệu đơn vị. SHB được mua ròng hơn 559 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng giá trị. FPT được mua ròng 288 tỷ đồng. Ngoài ra, SSI, HPG, CTG và HDB đều được khối ngoại mua ròng trong khoảng 100–200 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, GEX và VCB bị bán ròng mạnh nhất, lần lượt 316 tỷ đồng và 138 tỷ đồng.
Thị trường phản ứng tích cực trong bối cảnh Việt Nam đã “chốt” được mức thuế với Mỹ trong khi các nước khác chuẩn bị nhận thông báo thuế từ hôm nay. Đà tăng càng về cuối phiên sáng nay càng mạnh và độ rộng lan tỏa. Dòng tiền nội lẫn ngoại đã giải ngân mạnh mẽ.
Một động lực khác đến từ bối cảnh vĩ mô hết sức tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, với các chỉ số ấn tượng như: Tăng trưởng GDP có thể đạt mức cao nhất gần 20 năm qua (khoảng 7,5-7,6%); xuất khẩu tăng khoảng 14,4%; tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 8,3%.
Những số liệu này củng cố kỳ vọng về một bức tranh kết quả kinh doanh quý II với nhiều gam màu sáng, đặc biệt ở các nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng, bán lẻ và các ngành liên quan đến xuất khẩu (thủy sản, dệt may).
Tuần giao dịch tới sẽ là thời điểm thị trường đón nhận những báo cáo kết quả kinh doanh đầu tiên. Đây được xem là yếu tố dẫn dắt chính, quyết định sự phân hóa của dòng tiền theo câu chuyện riêng của từng nhóm ngành và từng cổ phiếu.