Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng cam kết rót 85 nghìn tỷ đồng cho VinFast. |
Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã cam kết cung cấp cho VinFast các khoản vay bổ sung lên đến 35 nghìn tỷ đồng đến cuối năm 2026. Ngoài ra, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cam kết tài trợ 50 nghìn tỷ đồng cho VinFast, với việc thương hiệu này vẫn đang tiếp tục hoạt động thua lỗ.
Đại diện văn phòng ông Vượng cho biết: “Nguồn vốn mới sẽ giúp VinFast có đủ nguồn lực tài chính cần thiết để phát triển bền vững mà không phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài”.
Tuy nhiên, Vingroup cho biết trong một thông báo rằng, các khoản tiền này sẽ chỉ được rút nếu VinFast không đạt được mục tiêu huy động vốn từ các nguồn bên ngoài.
Cam kết của Vingroup đối với VinFast
Tập đoàn cũng cho biết, sẽ chuyển đổi tất cả các khoản vay hiện tại đối với VinFast, tổng cộng khoảng 80 nghìn tỷ đồng, thành cổ phần ưu đãi có quyền nhận cổ tức để giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho VinFast.
“Thỏa thuận hỗ trợ của Vingroup dựa trên phân tích kỹ lưỡng về tác động tiềm năng đối với dòng tiền và lợi nhuận của tập đoàn”, Vingroup cho biết, đồng thời bổ sung rằng, nguồn vốn sẽ đến từ hoạt động kinh doanh của Vingroup, cổ tức từ các công ty con và việc thoái vốn chiến lược từ một số khoản đầu tư và đơn vị. Vào tháng trước, Vingroup đã tìm cách thoái vốn khỏi hai công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo là VinBrain và VinAI.
Hiện tại vẫn chưa rõ số lượng cổ phần VinFast sẽ được chuyển nhượng cho Vingroup sau thỏa thuận. Tập đoàn này hiện sở hữu khoảng 51% vốn điều lệ của VinFast toàn cầu, bao gồm cả VinFast Auto được niêm yết trên Nasdaq, trong đó cá nhân ông Vượng sở hữu gần 98%.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của tập đoàn, Vingroup đã cho CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast, có trụ sở tại Hải Phòng, vay hơn 66,5 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 9; khoản vay này chiếm hơn 80% tổng số khoản vay của tập đoàn đối với các công ty con.
Vingroup cũng đã đầu tư hơn 65,7 nghìn tỷ đồng vào VinFast, trong tổng số hơn 168,4 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị trực thuộc tính đến cuối quý 3.
“Sau khi VinFast đạt được lợi nhuận và sự độc lập tài chính, Vingroup kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các khoản đầu tư vào nhà sản xuất xe điện này”, tập đoàn cho biết thêm.
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam đặt mục tiêu đạt điểm hòa vốn và cân bằng dòng tiền vào cuối năm 2026.
Ông Barry Weisblatt, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại VNDIRECT Securities, cho biết: “Chúng tôi cho rằng mục tiêu hòa vốn vào năm 2026 là hợp lý, với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mà công ty đã đạt được, và kế hoạch mở rộng tại Việt Nam cũng như các thị trường trọng điểm khác như Indonesia và Ấn Độ”.
Tuy nhiên, trong một báo cáo ngày 16 tháng 8, ông viết rằng, Vingroup đang gặp áp lực lớn, khi phải đối mặt với khả năng thanh toán hạn chế và dòng tiền eo hẹp. Lưu ý rằng tập đoàn đã gánh mức nợ cao để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất ô tô trong giai đoạn phát triển, ông viết: “Mô hình tài chính của chúng tôi không dự đoán rằng VinFast sẽ trả hết các khoản nợ còn lại cho Vingroup trong tương lai gần. Do đó, việc chuyển đổi nợ thành cổ phần ưu đãi sẽ không ảnh hưởng đến định giá hay đánh giá về sức khỏe tài chính của Vingroup”.
VinFast đã bàn giao hơn 44.000 xe điện trong chín tháng đầu năm nay, đạt gần một nửa mục tiêu doanh số cả năm là 80.000 xe. Công ty cho biết, đã giao thêm hơn 11.000 xe điện cho khách hàng nội địa trong tháng 10, 45% trong số đó là mẫu xe phổ thông VF3.
Điều này đã nâng tổng doanh số nội địa của VinFast trong 10 tháng đầu năm lên 51.000 xe, đưa thương hiệu của công ty trở thành hãng xe bán chạy nhất tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Hiện VinFast có một nhà máy sản xuất ô tô với công suất 300.000 xe mỗi năm và bốn cơ sở sản xuất pin tại Việt Nam. Dự kiến, hai nhà máy khác với công suất 50.000 xe mỗi năm sẽ được mở tại Indonesia và Ấn Độ vào năm tới.