Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Asean 08/08/2017, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế - Văn Phòng Chính phủ về những dấu ấn lịch sử này đối với Việt Nam. Năm 2017 đánh dấu thời điểm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. 50 năm là chặng đường dài của một thể chế khu vực.
Theo ông, thành tựu và thách thức lớn nhất của ASEAN trong 50 năm qua là gì?
Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Hưng: Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những thành tựu đáng tự hào song cũng có những thách thức, tồn tại: 1. Được thế giới công nhận là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất, mở ra nhiều cơ hội để tuổi trẻ các nước trong ASEAN có thể nắm lấy cơ hội để phát triển. 2. Tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế toàn khối tăng trưởng khoảng 5%/năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn. Đầu năm 2016, ASEAN đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, và chỉ sau đó một năm, tức vào đầu năm 2017, ASEAN tăng thêm 1 bậc lên vị trí thứ 6. Dự báo đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, ASEAN vẫn có thể đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng hơn nữa lên mức 7%/năm. 3. ASEAN đã xây dựng được Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột phát triển là: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hoá –Xã hội, Khoa học kỹ thuật, Giáo dục và đào tạo. 4. Thành tựu nổi bật nhất của ASEAN trong 50 năm qua là giữ gìn được sự ổn định và hòa bình trong khu vực. ASEAN thể hiện được vai trò trung tâm và những đóng góp vào an ninh và các vấn đề đa phương của khu vực. 5. Nếu ASEAN muốn đạt được thành công trong 50 năm tiếp theo, tổ chức này phải giải quyết được những câu hỏi khó về việc làm thế nào để điều hướng tốc độ thay đổi công nghệ và sự gián đoạn công nghệ số. Một mặt, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại lợi ích to lớn cho khu vực, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tài chính, tiếp cận chăm sóc y tế với giá cả hợp lý, các hình thức giáo dục mới cũng như tạo ra các công ty mới và các ngành dịch vụ. 6. Công nghệ cũng có thể mang lại nhiều thách thức. Các quốc gia ASEAN cần trang bị cho người dân kỹ năng về công nghệ thông tin cũng như các thành tựu của khoa học-công nghệ để có thể làm chủ được máy móc, vận hành các công nghệ hiện đại.
Chính phủ các nước có thể xây dựng môi trường thích hợp cho việc kết nối, cho phép cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh. Sau nửa thập kỷ phát triển, tương lai phía trước của ASEAN vẫn đang rộng mở, hứa hẹn nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức với các nước trong khối.Trong giai đoạn quan trọng này, các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, cùng nhau nỗ lực để thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Theo ông, đâu là những nội dung hợp tác trọng tâm mà Asean sẽ hướng đến trong thời gian tới?
Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Hưng: Có nhiều nội dung hợp tác, nhưng đáng chú ý là nội khối phải làm là xác định tầm nhìn 2025 và triển khai chương trình hành động của Cộng đồng ASEAN; kết hợp với việc thúc đẩy thuận lợi hóa Thương mại trong khu vực và quốc tế, kết thúc đàm phán FTA của ASEAN- HK, RCEP. Mặt khác, ASEAN cần triển khai các mục tiêu của 3 trụ cột, trong đó có trụ cột kinh tế, hợp tác để hướng tới sự ổn định khu vực.
Năm 1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội ASEAN. Là một thành viên, một bộ phận cấu thành của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển của ASEAN?
Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Hưng: Trong suốt quá trình tham gia hội nhập ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình vì sự phát triển và lớn mạnh của Hiệp hội với ý thức về tầm quan trọng chiến lược của ASEAN đối với Việt Nam: Một Hiệp hội ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thống nhất sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển ở khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998, trên cương vị chủ trì Hội nghị, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong việc cùng ASEAN xây dựng các bước đi và biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa viễn cảnh được nêu trong Tầm nhìn 2020, thể hiện trong Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) thực hiện trong giai đoạn 6 năm 1998-2004.
Trong quá trình hình thành ý tưởng về mô hình tương lai của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam, cùng với các nước có tư tưởng tương đồng, đã tích cực thúc đẩy trụ cột thứ 3 về hợp tác Văn hóa-Xã hội như một chân kiềng có tác dụng bổ trợ và gắn kết hữu cơ 2 trụ cột khác của Cộng đồng ASEAN là Chính trị - An ninh và Kinh tế, qua đó, đảm bảo sự phát triển cân bằng và hài hòa của ASEAN. Trên cơ sở đó, ASEAN đã đưa ra Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP) với các chương trình và kế hoạch hợp tác cụ thể cho giai đoạn 2004-2010. Việt Nam là một trong những nước đóng vai trò tích cực. ASEAN đồng thời ý thức được rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng khi bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc cùng ASEAN xây dựng các bước đi và biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa viễn cảnh được nêu trong Tầm nhìn 2020.
Một khía cạnh quan trọng khác trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam đã tham gia rất tích cực và để lại dấu ấn đậm nét là việc xây dựng, ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiến chương ASEAN.
Xin cảm ơn ông!
PV (thực hiện)