Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. |
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 của WIPO công bố, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng từ vị trí 46 vào năm 2023. Trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ xếp hạng 39.
Ngoài ra, có 5 quốc gia thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam, gồm Trung Quốc (hạng 11), Malaysia (hạng 33), Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 37), Bulgari (hạng 38) và Thái Lan (hạng 41). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia thuộc nhóm thu nhập cao.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 về đổi mới sáng tạo, xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2024 Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu thế giới gồm nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Trong đó, lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của nước ta đạt vị trí dẫn đầu. Theo Bộ trưởng, các chỉ số về đầu tư mạo hiểm đang có xu hướng phát triển tốt, số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng lên vị trí 50/133 quốc gia, nền kinh tế, số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng lên vị trí 44/133.
WIPO đánh giá Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình trong top 70 đã có những tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn thập kỷ qua, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Morocco. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
"Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột về nguồn nhân lực và nghiên cứu", báo cáo nêu.
Cụ thể, trụ cột cơ sở hạ tầng (xếp hạng 56, tăng 14 bậc so với năm 2023); trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 43, tăng 6 bậc so với năm 2023); trình độ phát triển của doanh nghiệp (xếp hạng 46, tăng 3 bậc so với năm 2023); sản phẩm tri thức và công nghệ (xếp hạng 44, tăng 4 bậc so với năm 2023).
Ngoài ra, có 3 bộ chỉ số mà Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới là: Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (hạng 3), Số lượng ứng dụng trên điện thoại di động được tạo ra (hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp chi trả/tổng chi nghiên cứu và phát triển (hạng 9).
Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia sẽ thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.