Báo cáo của Công ty tư vấn Henley & Partners kết hợp với New World Wealth cho thấy, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc có số triệu phú đông nhất, nhưng Việt Nam mới giữ kỷ lục về tốc độ gia tăng triệu phú USD.
Theo báo cáo, Việt Nam có 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, 58 triệu phú có tài sản trên 100 triệu USD và 6 tỉ phú.
Trong giai đoạn 2013-2023, số triệu phú USD của Việt Nam đã tăng 98%, tức gần gấp đôi. Tốc độ này vượt cả Trung Quốc (92%), Ấn Độ (65%) và Mỹ (62%).
New World Wealth là một công ty báo cáo tài sản toàn cầu có trụ sở tại Nam Phi, chuyên theo dõi sự thay đổi và thói quen chi tiêu của những người giàu nhất thế giới trong một thập kỷ qua. Nghiên cứu của họ thực hiện trên 90 quốc gia và 150 thành phố trên thế giới, đặc biệt tập trung vào châu Á, Phi. Họ lấy dữ liệu từ bộ phận nghiên cứu nội bộ, thường tập trung vào những nhà sáng lập công ty và cá nhân giữ các vị trí Chủ tịch, CEO, Giám đốc và quản lý. Công ty này bắt đầu phát hành báo cáo định kỳ mỗi năm từ 2022 gồm nhiều chủ đề như triệu phú, bất động sản, tiền số, sự di cư của người giàu...
Trong báo cáo, Mỹ dẫn đầu về số triệu phú (5,4 triệu người) và tỉ phú (788 người), tiếp theo là Trung Quốc, Đức. Dù nằm trong top đầu, Nhật Bản, Anh có số triệu phú giảm nhẹ 6% và 8%.
New World Wealth cũng cho biết, các quốc gia châu Phi như Nigeria và Nam Phi chứng kiến dân số là triệu phú giảm, một phần do tình trạng di cư và bất ổn kinh tế. Đáng chú ý, Nam Phi chứng kiến số lượng triệu phú giảm tới 20%.
Trước đó, New World Wealth cũng dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, đến 125% trong 10 năm tới. Nhà phân tích Andrew Amoils của đơn vị này đánh giá con số trên là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Tốc độ tăng trưởng triệu phú của Việt Nam cao, một phần do mức nền so sánh ban đầu thấp, chỉ gần 9.800 người hồi năm 2013. Tuy vậy, New World Wealth và Henley & Partners cho rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng triệu phú ở Việt Nam phản ánh thành công kinh tế gần đây và cho thấy xu hướng tích lũy của cải tiếp tục gia tăng.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn báo cáo đánh giá (2013-2023), trừ hai năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Đặc biệt, năm 2022 - thời điểm khi dịch bệnh được khắc phục, kinh tế hồi phục, GDP tăng 8,02% - mức kỷ lục trong hơn 10 năm. Mức thu nhập bình quân đầu người trong 10 năm báo cáo đánh giá cũng tăng gần 2,2 lần, từ mức 1.960 USD một người vào 2013 lên 4.284 USD năm 2023. GDP bình quân đầu người tăng phản ánh tính năng động của nền kinh tế.
Theo New World Wealth và Henley & Partners, Việt Nam đang củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu và là điểm đến cho các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia.
Trước đó, báo cáo của McKinsey cho rằng, Việt Nam có vị trí chiến lược giúp phát triển kinh tế nhanh. Đó là có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến đường hàng hải lớn… Việt Nam cũng được xem là quốc gia có chi phí lao động còn thấp, trong khi đó Chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó biến Việt Nam thành một "điểm đến hàng đầu" (Prime Destination) cho dòng vốn đầu tư FDI.
Trong thập kỷ tới, Ấn Độ cũng được dự báo tăng trưởng mạnh, nhưng tăng trưởng tài sản ước tính đạt 110%, thấp hơn của Việt Nam.
Thu Trang (t/h)