Theo báo cáo của VEPR, việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng ở mức 5,5%/năm như hiện nay dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân, tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm.
Với thực tế trên 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chứctiền gửicó kỳ hạn dưới 1 năm, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi. “Tín dụng sẽ có xu hướng lệch về phía lĩnh vực bất động sản gây ra những lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng tài sản mới trong tương lai”, VEPR nhận định.
Việc dỡ bỏ trần lãi suất cũng đã được đề cập rất nhiều. Nhưng dỡ trần hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều bởi thanh khoản thị trường dù có đang tốt lên, nhưng kỳ vọng lạm phát tăng cao trở lại tái xuất, tăng trưởng tín dụng dù đã qua thời khó khăn nhưng chưa thật sự bền vững. Nếu buông trần lãi suất, sẽ khiến cuộc đua lãi suất huy động này nhanh chóng nóng lên.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho rằng mức tăng cao của nguồn cung tiền trong các năm trước có thể gây sức ép lên lạm phát năm 2016. Huy động thấp tạo ra chênh lệch cung – cầu vốn đồng thời đẩy mặt bằng lãi suất tăng trên cả thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động các Ngân hàng thương mại.
Trong khi đó diễn biến ngoại hối biến động mạnh trong 3 quý đầu năm. Qúy 3/2015, lãi suất USD ở mức thấp, giữa tháng 8/2015, đồng NDT bất ngờ mất giá, NHNN lo ngại điều chỉnh tỷ giá trong nước tăng. Các ngân hàng không thể cho vay bằng ngoại tệ vì doanh nghiệp lo ngại trượt giá, ngay cả khi hạ lãi suất USD xuống rất thấp hoặc 0% thì mức trượt giá lớn hơn lãi suất VND. Các ngân hàng thương mại không thể cho vay USD dù hạ lãi suất cho vay. Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng bẫy thanh khoản ngoại tệ.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Fullbright cho rằng tăng trưởng tín dụng thực trong năm 2015 ở mức 17,5%. Đây là con số cao nhờ tín dụng cho bất động sản, sản xuất, tiêu dùng. Theo ông, cảnh báo tín dụng bất động sản là điều cần thiết nhưng không nên dùng mệnh lệnh hành chính để thắt chặt tín dụng cho bất động sản mà nên kiểm soát tín dụng bằng chính sách lãi suất, điều tiết qua Thông tư 36.
Giới chuyên gia cũng phân tích, trong thời gian vừa qua NHNN đã phải sử dụng nhiều mệnh lệnh hành chính để siết lại kỷ luật trên thị trường, từ tiền đồng đến đồng USD. Trần lãi suất hiện nay ít ngân hàng nào nào vi phạm nhưng nếu bỏ đi, cũng có thể khiến cho ngân hàng tự mắc kẹt vào trong đó. Việc bỏ hay dỡ trần lãi suất huy động hiện nay không phải là điều quan trọng, mà cần thiết, giữ ổn định được lãi suất đầu ra, định được hệ thống.
VEPR cho rằng, phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính. Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng tăng năng suất trong dài hạn.
T.Tân