VCCI sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Hội nghị Cán bộ - Viên chức năm 2018 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2019.

Báo cáo tại Hội nghị đã chỉ rõ, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp tiếp tục phát triển, hội nhập mạnh mẽ, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động của VCCI trong năm 2018 tiếp tục được đẩy mạnh với việc lấy doanh nghiệp là trung tâm của mọi hoạt động.

Hỗ trợ doanh nghiệp là trung tâm hoạt động

Theo VCCI, trong 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, còn có 31.869 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm nay lên hơn 153.100 doanh nghiệp so với 140.400 nghìn doanh nghiệp của cùng kỳ năm 2017.

Hoạt động của VCCI trong năm 2018 tiếp tục được đẩy mạnh với việc lấy doanh nghiệp là trung tâm của mọi hoạt động.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động hỗ trợ, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục được VCCI đẩy mạnh. Trong đó, công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, góp ý xây dựng chính sách được VCCI đề cao với việc tham gia Ban soạn thảo, tổ biên tập 16 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật quản lý thuế, Luật quản lý nợ công, Nghị định sửa đổi về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…VCCI phối hợp với các chuyên gia xây dựng và công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh. Báo cáo này được thực hiện nhằm điểm lại những quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam định kỳ 6 tháng/1 lần, từ đó, đưa ra những đánh giá về xu hướng của dòng chảy chính sách kinh tế trong từng giai đoạnHoạt động thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được VCCI xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Qua các cuộc điều tra, khảo sát của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp phản ánh về nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển, như việc tiếp cận đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh có thủ tục thuê và chuyển nhượng đất phức tạp, nhiều quy định về quy hoạch đất và sử dụng đất không rõ ràng; việc tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp tư nhân từ ngân hàng chưa thuận lợi, tiếp cận nguồn tài chính từ quỹ hỗ trợ phát triển còn hạn chế bởi thủ tục cho vay quá chặt chẽ, chưa có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân… Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn thiếu minh bạch, chưa thực sự bình đẳng, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cao… là những rào cản khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Năm 2018, VCCI tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương…đẩy mạnh Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;  Chương trình hành động của VCCI triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP về "Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020"…. Công tác vận động chính trị, tăng cường liên kết doanh nghiệp, mở rộng quan hệ hợp tác: Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 09/BCT-NQ về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; thúc đẩy xây dựng văn hóa trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, tạo môi trường làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Một trong những sự kiện lớn trong năm 2018 là VCCI đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS Business Summit) bên lề Hội nghị Thượng GMS 6 và Hội nghị CLV lần thứ 10. Đây là sáng kiến nổi bật của Việt Nam trên cương vị chủ nhà hội nghị Thượng đỉnh của lãnh đạo cấp cao khu vực GMS nhằm tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Với chủ đề “Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới”, Hội nghị đã thu hút đã thu hút hơn 2000 doanh nghiệp trong và ngoài khu vực GMS, đại diện lãnh đạo gần 40 tỉnh thành trong nước và nhiều địa phương các quốc gia thành viên

Bên cạnh đó, một điểm nhấn của VCCI trong năm 2018 được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao là việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende, cùng các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương, các tổ chức quốc tế, các học giả và hơn 1.300 đại biểu tham dự, trong đó, có hơn 500 đại biểu nước ngoài là các thành viên uy tín của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và đoàn doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi-lê, Ô Man… cùng với lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao – kinh tế và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong bài phát biểu đã nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và chủ đề của hội nghị VBS 2018 “Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy” chính là cam kết của Việt Nam với toàn thế giới. Thành công của hội nghị đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm giao kết quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, VBS 2018 là tiền đề quan trọng để Việt Nam tổ chức VBS 2019, đưa sự kiện này trở thành hoạt động thường niên quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Năm 2018 đánh dấu việc VCCI lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững trong thời kì Cách mạng Công nghiệp 4.0” nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác công tư đóng góp vào tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua thực hiện tăng trưởng xanh và tạo điều kiện phổ biến, mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên phạm vi toàn cầu. VCCI đã có 6 khuyến nghị với Chính phủ nhằm xây dựng các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững từ đó hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triền bền vững.

Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập, và tham gia vào nhiều FTA. Trong bối cảnh đó, VCCI tiếp tục là đầu mối thông tin và tư vấn lớn nhất cho doanh nghiệp về WTO và các Hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài ra, công tác đại diện giới sử dụng lao động tiếp tục được đề cao với việc VCCI đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến trực tiếp cũng như tham vấn bằng các hình thức khác với nhóm chuyên gia giới chủ ở cả phía Nam và phía Bắc với thành viên đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp như Dệt may, Điện tử, Thủy sản, Da giày, Gỗ, Hiệp hội DNNVV, Liên minh HTX, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Eurocham…Triển khai các hoạt động hỗ trợ và phát triển quan hệ lao động lành mạnh trong doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc… Trong năm 2018, VCCI đã triển khai điều tra, nghiên cứu, khảo sát, xây dựng phương án tăng lương tối thiểu vùng 2019 của Đại diện người sử dụng lao động. Tham gia các phiên họp thương lượng về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 do Hội đồng Tiền lương quốc gia chủ trì. Các kiến nghị của VCCI đối với mức điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đều dựa trên kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, có chính sách đào tạo và đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

Năm 2018 có thể đánh dấu là một năm “được mùa” của VCCI trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. VCCI đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế, doanh nghiệp và luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hội nhập…

Trong bối cảnh đó, VCCI đặt ra mục tiêu năm 2019, VCCI sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 09/NQ-BCT về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP về "Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020".

Phối hợp với Keidanren tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Châu Á và Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2019 . Xây dựng và tăng cường cơ chế đối thoại, tiếng nói đại diện của VCCI đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thông qua các diễn đàn như Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2019, Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp, Các Diễn đàn doanh nghiệp và Hội đồng kinh doanh giữa Việt Nam với các thị trường trọng điểm. Nâng cao hơn nữa vai trò đại diện giới sử dụng lao động…

Tuấn Anh