Vay nợ nghìn tỷ, nhiều doanh nghiệp địa ốc "lao đao" vì lãi suất cao

15:14 08/11/2023

Với các khoản vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp ngành địa ốc đang phải lao đao vì lãi quá cao.

Theo báo cáo tài chính quý III năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu Tư Nam Long tính đến 30/9 đã vay và nợ gần 5.600 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn 2.300 tỷ đồng, dài hạn 3.300 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Nam Long vay ngắn hạn của Ngân hàng TMCP Phương Đông 482 tỷ đồng với lãi suất 7,9-10,4%/năm; vay dài hạn 621 tỷ với lãi suất 10,5%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này vay tín chấp của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 89 tỷ đồng với lãi suất 8-9%/năm.

Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp địa ốc lao đao vì lãi suất cao (Ảnh: Minh họa).

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng phát sinh khoản vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh quận 4, TP.HCM với lãi suất thả nổi bằng lãi suất cơ sở kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,7%/năm và lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 5,1%/năm. Khoản vay dài hạn với tổng giá trị 3,8 tỷ, lãi suất thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,4% - 3,5%/năm.

Theo báo cáo quý III của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland), tính đến 30/9, doanh nghiệp này vay ngắn hạn hơn 3.000 tỷ đồng, dài hạn 6.000 tỷ đồng. Trong đó có những khoản vay lớn với lãi suất cao như khoản vay 300 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM.

Khoản vay này theo giấy nhận nợ 1.600 tỷ, thời hạn 48 tháng, lãi suất kỳ đầu 11%. Sau đó lãi suất thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần theo nguyên tắc bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 4%/năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Novaland còn vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 1.200 tỷ đồng có lãi suất kỳ đầu 11%. Lãi suất kỳ tiếp theo thả nổi, điều chỉnh 3 tháng một lần bằng lãi suất huy động tiết kiệm cộng biên độ 4,5%. Khoản vay 935 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quân Đội - Chi nhánh Sài Gòn có lãi suất kỳ đầu 11,5%, kỳ sau thả nổi, tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,5%. Trong khi khoản vay của các cá nhân chỉ 5,5%.

Ảnh minh họa
 TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho hay lãi suất giảm nhẹ vào đầu năm 2023 nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp ngày càng suy giảm.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết vốn vay chiếm khoảng 70% cấu vốn của một dự án bất động sản. Do đó, lãi suất càng cao, doanh nghiệp càng gặp nhiều áp lực.

“Do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản đóng băng nên việc sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Đến nay, các dự án đã gần như tạm dừng thi công, dự án đang thi công dở dang cũng giãn tiến độ”, ông Nghĩa phân tích.

Theo ông này, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bất động sản đang "còng lưng" xoay xở vì nhiều dự án làm xong cũng không thể lấy tiền. Chủ đầu tư nợ nhà thầu, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp không còn, thậm chí bị âm vốn, không còn khả năng trả lãi vay ngân hàng. Để có tiền duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng, nhiều công ty phải đi vay nóng bên ngoài.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2023 của các ngân hàng, tổng dư nợ cho vay bất động sản của nhóm 12 ngân hàng đến 30/9 là gần 430.000 tỷ đồng, tăng 144.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Theo thứ tự các ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhất tính đến 30/9 lần lượt gồm: Techcombank 160.000 tỷ đồng; VPBank 79.500 tỷ đồng; SHB 66.500 tỷ đồng; HDBank 35.600 tỷ đồng; MB 34.500 tỷ đồng; TPBank 13.600 tỷ đồng; VietBank 13.200 tỷ đồng; MSB 12.500 tỷ đồng; VietCapital Bank (BVBank) 7.000 tỷ đồng; KienLongBank 3.000 tỷ đồng; PG Bank 2.000 tỷ đồng; và VIB 1.700 tỷ đồng.

Trong đó, có ba ngân hàng giảm dư nợ cho vay BĐS so với cuối năm ngoái gồm: VietCapital Bank (giảm 381 tỷ đồng), PG Bank (giảm 220 tỷ đồng) và VIB (giảm 300 tỷ đồng).

Tính riêng dư nợ của Techcombank, dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank gần bằng 9-10 ngân hàng khác gộp lại. Tổng dư nợ cho vay bất động sản 9 ngân hàng gồm HDBank, MB, TPBank, VietBank, MSB 12.500, VietCapital Bank (BVBank), KienLongBank, PG Bank và VIB đạt khoảng 120.000 tỷ, còn thấp hơn dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank 40.000 tỷ đồng.

PV (t/h)