Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan mới công bố, trong tháng 02/2024, tổng giá trị nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm liên quan đã đạt 1,16 tỷ USD, đồng thời giảm 27,8% so với tháng trước, tương đương với sự giảm 447 triệu USD. Tính đến tháng thứ hai của năm 2024, lũy kế nhập khẩu đã tăng lên 2,76 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với sự gia tăng 842 triệu USD. Và dữ liệu đến ngày 15/3 cho thấy, số liệu nhập khẩu sắt thép và sản phẩm liên quan đã gần đạt 3,6 tỷ USD, ước tính sẽ vượt qua mốc 4 tỷ USD vào cuối quý I.
Đáng chú ý, riêng lượng sắt thép nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đã đạt 2,65 triệu tấn, trị giá 1,88 tỷ USD, tăng lần lượt 85,4% về lượng và 57% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với giá trị nhập khẩu sắt thép đạt 1,72 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 62% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, đạt 1,4 triệu tấn trong số 1,8 triệu tấn đã nhập khẩu, với trị giá trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là giá thép xuất khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đã giảm đáng kể, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ví dụ, giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn vào quý IV/2023.
Trước sức ép từ lượng thép nhập khẩu ngày càng tăng, các doanh nghiệp trong nước bày tỏ lo ngại và có thể chần chừ trong việc mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp phù hợp từ phía chính phủ để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước trước những thách thức từ thị trường quốc tế.
Theo Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 8,3 triệu tấn, tương đương hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản 14,3%, Hàn Quốc 8,3%,… Tính riêng với thép cán nóng, 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc, gây áp lực lớn với sản xuất trong nước.
Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. Thép HRC của Trung Quốc giảm từ 618USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557USD/tấn trong quý 4. Giá bán HRC của Trung Quốc hiện dao động trong khoảng 520-560USD/tấn, tùy loại. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, bóp nghẹt sản xuất trong nước.
Về năng lực sản xuất thép trong nước, theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của các DN thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Thực tế năm 2023, các DN thuộc Hiệp hội thép sản xuất 27,7 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.
P.V (t/h)