Trong bối cảnh TikTok tiếp tục đối mặt với sự giám sát ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, Lemon8, ứng dụng được cho là cùng 'mẹ' ByteDance, đang nhanh chóng leo top tải về tại Mỹ.
Theo Tech Wire Asia, đây được coi là một động thái khá kịp thời đến từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance khi đẩy mạnh Lemon8, "nền tảng chia sẻ nội dung hướng tới cộng đồng giới trẻ", đã có sẵn ở Mỹ và Anh từ vài tuần trước. Tuy ứng dụng được nhiều người cho là mới, thực tế đã xuất hiện từ tháng 3/2020 nhưng chỉ ghi nhận ít bước tiến ở một vài quốc gia châu Á.
Động thái “lặng lẽ” giới thiệu Lemon8 là một dấu hiệu cho thấy tham vọng không nản lòng của ByteDance, không chỉ trong việc trở thành một trong những nhà sản xuất ứng dụng hàng đầu thế giới mà còn quyết tâm thành công ở Hoa Kỳ, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ Washington cấm TikTok hoặc buộc chủ sở hữu công ty phải bán cổ phần.
Định vị bản thân là “nền tảng chia sẻ nội dung của giới trẻ”, Lemon8 đã nhanh chóng lọt top tải về tại thị trường Mỹ. Phần mềm này cho phép người dùng đăng tải các bài đăng dài hơn, tương tự như trên blog với cả hình ảnh và video.
Người dùng có thể tinh chỉnh nguồn dữ liệu bài đăng dựa trên chủ đề ưa thích và những người sáng tạo khác mà họ theo dõi (follow).
Khác với TikTok, ứng dụng này là sự kết hợp giữa Instagram và Pinterest. Số lượt tải của Lemon8 đã tăng mạnh ở Mỹ, vượt qua cả Pinterest, dịch vụ hẹn hò Tinder và nền tảng lĩnh vực bất động sản Zillow để trở thành ứng dụng phong cách sống hàng đầu được tải về trên iPhone.
Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc ứng dụng còn khá mơ hồ. Hồ sơ pháp lý và các báo cáo truyền thông cho thấy nó thuộc sở hữu của ByteDance, trụ sở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên App Store của Apple, Lemon8 được liệt kê thuộc sở hữu của Heliophilia, một công ty có trụ sở Singapore, địa chỉ trùng với chi nhánh TikTok tại đây và Giám đốc là Zhou Qin, một công dân Singapore.
Năm ngoái, Reuters đưa tin ứng dụng này được quản lý bởi Alex Zhu, Phó Chủ tịch cấp cao về sản phẩm và chiến lược của ByteDance và là cựu CEO TikTok.
Các ghi chú và tài liệu liên quan, được The New York Times công bố, tuyên bố tham vọng của Lemon8 là trở thành dịch vụ truyền thông xã hội hàng đầu toàn cầu, noi gương sự thành công của “công ty anh em” TikTok. Lemon8 đã sử dụng “cùng một công cụ đề xuất giúp TikTok thành công”.
Theo hãng tin AP, ứng dụng với tên gọi Lemon8 có khả năng phải đối mặt với một số lệnh giám sát giống như TikTok sau khi xuất hiện nhiều lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty mẹ ByteDance của hai ứng dụng giao nộp dữ liệu người dùng ở Mỹ hoặc đưa thông tin sai lệch lên nền tảng này.
Về phần mình, TikTok khẳng định điều đó đã không xảy ra. Nền tảng chia sẻ video đang cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp rằng, họ có thể đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng. Trong khi đó, ByteDance cũng đang thúc đẩy các kế hoạch mở rộng với ứng dụng mới.
Nguồn cấp dữ liệu chính của Lemon8 cho phép người dùng xem nội dung từ những người sáng tạo mà họ theo dõi, cũng như mục ‘dành cho bạn” đề xuất các bài đăng khác. Nó cũng phân đoạn các bài đăng theo các danh mục khác nhau, như thời trang, làm đẹp và ẩm thực, đồng thời cho phép người dùng khám phá nội dung theo nhiều yêu cầu khác.
Tương tự như TikTok và các trang mạng xã hội khác, Lemon8 thu thập dữ liệu người dùng bao gồm địa chỉ IP, lịch sử duyệt web, số nhận dạng thiết bị và các thông tin khác.
Theo dữ liệu của Công ty phân tích data.ai, Lemon8 lần đầu tiên được ra mắt thị trường châu Á vào năm 2020 và đã đạt được thành công ở các quốc gia như Thái Lan và Nhật Bản, với lần lượt khoảng 7,4 triệu và 5 triệu lượt tải.
Lemon8 được đưa vào lưu hành tại Mỹ từ tháng 2/2023 và đã được một số người có sức ảnh hưởng trên TikTok quảng bá.
Tính đến ngày 2/4, ứng dụng này tại Mỹ đã nhận được 290.000 lượt tải. Phần lớn người dùng tìm đến ứng dụng vào cuối tháng 3, nghĩa là tốc độ tải của người dùng đang tăng nhanh chóng. Lemon8 cũng được lọt vào top một trong những ứng dụng xu hướng trong tháng 3 trên App Store.
Ngoài TikTok và Lemon8, CapCut cũng là một ứng dụng của ByteDance đang được người dân Mỹ ưa chuộng.
CapCut tự quảng cáo là công cụ chỉnh sửa video “tất cả trong một” cho phép người dùng cắt hoặc tăng tốc video cũng như thực hiện những việc khác như thêm hiệu ứng, chỉnh âm thanh.
Theo data.ai, kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2020, ứng dụng đã nhận được 60 triệu lượt tải xuống ở Mỹ và 940 triệu lượt trên toàn cầu.
Hà My (t/h)