Ứng dụng giao đồ ăn nào đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam?

23:28 29/01/2023

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 được công bố bởi iPos.vn, giao đồ ăn được xem là xu hướng tất yếu của ngành F&B. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trong những năm tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một "sân chơi" màu mỡ, khi Momentum Works ghi nhận tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm vừa qua.

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 được công bố bởi iPos.vn, giao đồ ăn được xem là xu hướng tất yếu của ngành F&B. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa trong những năm tới, theo đà mở rộng của hệ thống hạ tầng ứng dụng gọi món, giao vận, thanh toán.

Đáng chú ý, số liệu từ iPos.vn chỉ ra, khoảng 80% số lượng đơn đặt đồ ăn ở Việt Nam hiện tại đến từ các ứng dụng giao đồ ăn, và chỉ 20% là đến từ các hệ thống sẵn có như: gọi điện qua hotline, nhắn tin trực tiếp, hoặc thông qua các ứng dụng vận chuyển.

Momentum Works vừa công bố báo cáo về thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở 6 thị trường hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng so với cùng kỳ, Grab tiếp tục dẫn đầu khu vực và tại nhiều quốc gia.

Theo số liệu, tổng chi tiêu (GMV) cho dịch vụ giao đồ ăn trong năm 2022 tại các nước Đông Nam Á lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau 2 năm bùng nổ giao hàng do Covid-19. 

Lần đầu tiên sau 3 năm, sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi một số thị trường nhỏ như Philippines (tăng thêm 0,8 tỷ USD), Malaysia (tăng 0,6 tỷ USD) và Việt Nam (thêm0,3 tỷ USD). 

Các thị trường lớn hơn như Singapore (giảm 0,4 tỷ USD), Thái Lan (giảm 0,4 tỷ USD) và Indonesia (giảm 0,1 tỷ USD) đã ghi nhận sự sụt giảm GMV. Điều này được lý giải do sau Covid-19, các cửa hàng truyền thống mở cửa trở lại làm giảm nhu cầu đặt đồ ăn trực tuyến.

Do phải gia tăng lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn tiếp tục cắt giảm chương trình ưu đãi, đồng thời đẩy mạnh sức cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.

Tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD
Tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD.

Tại Việt Nam, nơi đây hiện cũng là một trong những thị trường hấp dẫn bậc nhất trong khu vực, khi cùng lúc quy tụ 4 "tay chơi" lớn là: GrabFood (Grab), ShopeeFood (Shopee), GoFood (Gojek) và Baemin (Delivery Hero).

Số liệu từ Momentum Works cho thấy, Grab hiện dẫn đầu về giá trị đơn hàng giao đồ ăn tại Việt Nam, đạt gần 500 triệu USD. Theo sau là ShopeeFood - hơn 400 triệu USD, Baemin là hơn 120 triệu USD.

Mặc dù đây chưa phải những con số xác đáng cuối cùng, nhưng nó phần nào cho thấy, giao đồ ăn thực đang là một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt.

Thị trường Việt Nam khá đặc thù khi không có sự góp mặt của FoodPanda (vốn đã rút từ lâu). Đây cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có sự hiện diện rõ ràng của Baemin – một công ty khởi nghiệp Hàn Quốc.

Năm 2022, Momentum Works nhận định thị trường gọi đồ ăn im ắng hơn 2021 do một số nền tảng như Shopee, AirAsia quay lại tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ. Một số tin đồn cũng cho thấy FoodPanda hay DeliveryHero sẽ rút khỏi vài thị trường.

Tại Đông Nam Á, Grab vẫn chiếm thị phần lớn. Tính đến cuối năm 2022, Grab ước đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 54% tổng GMV trong dịch vụ giao đồ ăn của khu vực, tăng 16% so với năm trước. Nền tảng này đứng đầu trong tất cả 6 quốc gia được thống kê.

Foodpanda ước tính đóng góp 3,1 tỷ USD, chiếm 19% GMV khu vực, giảm 9% so với năm 2021.

Tuấn Anh