Tỷ phú giàu nhất Ukraine khởi kiện Nga

23:40 27/05/2022

Theo Business Insider, người giàu nhất Ukraine, tỷ phú Rinat Akhmetov đang lên kế hoạch kiện Nga về khoản thiệt hại từ 17 tỷ đến 20 tỷ USD sau khi các nhà máy thép của ông ở Mariupol bị hư hại nghiêm trọng.

Ảnh minh họa
Ông Akhmetov.

Ông Akhmetov vốn là chủ sở hữu của nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine, nơi lực lượng Nga và Ukraine giao tranh ác liệt nhất.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ kiện Nga và yêu cầu bồi thường thích đáng cho mọi tổn thất lẫn hoạt động kinh doanh bị thua lỗ", tỷ phú Akhmetov nói với cổng thông tin Ukraine mrpl.city.

Nhà máy thép Azovstal đã bị tấn công dữ dội trong nhiều tuần trước khi quân đội Ukraine đóng tại đây được sơ tán. Tỷ phú Akhmetov cho biết, doanh nghiệp luyện thép Illich Iron & Steel Works thuộc SCM Holdings của ông cũng bị thiệt hại sau những đợt tấn công của quân đội Nga.

Ông Rinat Akhmetov sở hữu khối tài sản ròng là 6,93 tỷ USD, theo Bloomberg. Tuy nhiên, giá trị tài sản của người giàu nhất Ukraine đã giảm 40% trong năm nay trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Công ty Metinvest của ông Akhmetov - nhà sản xuất thép lớn nhất của quốc gia đã tuyên bố rằng họ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Vào tháng 4, Metinvest nói với Reuters rằng, họ có kế hoạch tiếp tục sản xuất sau khi chiến tranh kết thúc nhưng sẽ "không bao giờ hoạt động dưới sự chiếm đóng của Nga." Trong khi đó, hôm 20/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã kiểm soát toàn bộ khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, theo RT.

Akhmetov sinh năm 1966 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động phổ thông ở Donetsk, Ukraine. Bố ông là thợ mỏ khai thác than, còn mẹ làm thu ngân cửa hàng. Akhmetov là người dân tộc thiểu số Tatar, theo Hồi giáo dòng Sunni.

Sự nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu bằng hoạt động buôn bán than ở thành phố Donetsk từ những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã và Ukraine tuyên bố độc lập. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực và mua lại nhiều nhà máy, xí nghiệp trong làn sóng tư hữu hóa ở Ukraine thời kỳ đó.

Trong một buổi phỏng vấn năm 2010, Akhmetov cho biết hoạt động kinh doanh của mình. "Tôi kiếm được một triệu USD đầu tiên nhờ buôn than", Akhmetov nói. Ông cho biết, đã dùng số tiền này mua lại những nhà máy, xí nghiệp "không ai muốn" với giá rẻ và "bước đi mạo hiểm này đã mang lại thành công".

Năm 2000, ông điều hành SCM, tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai khoáng, bán lẻ, tài chính và bóng đá. SCM là tập đoàn công nghiệp, tài chính lớn nhất ở Ukraine, cổ phiếu của công ty này chiếm 3,9% GDP Ukraine năm 2013.

Năm 2004, ông hùn vốn cùng Victor Pinchuk, con rể của Tổng thống Leonid Kuchma khi đó, mua lại một nhà máy sản xuất thép với giá 800 triệu USD và bán lại với giá 4,8 tỷ USD một năm sau đó.

Nhờ kinh doanh than và thép, Akhmetov nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất Ukraine, theo ước tính của Forbes. Tổng giá trị tài sản của ông trùm công nghiệp vào năm 2013 đạt gần 16 tỷ USD.

Công ty mà Akhmetov sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là tập đoàn khai khoáng và thép Metinvest, một trong những công ty tư nhân lớn nhất Ukraine. Các nhà máy của Metinvest ở Mariupol, thành phố đang bị lực lượng Nga bao vây, và thị trấn tiền tiêu Avdiivka chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công của Nga, buộc công ty tuyên bố tình trạng bất khả kháng vào 28/2. Ngày 31/3, Akhmetov tuyên bố SCM sẽ đệ đơn kiện Nga.

Công ty thứ hai mà ông sở hữu nhiều cổ phần là DTEK, đơn vị cung cấp khoảng 30% điện cho Ukraine trước khi xung đột nổ ra. Hôm 29/3, DTEK cho hay đã giúp sơ tán 900 người khỏi Mariupol và Berdyansk. Ngoài hỗ trợ nhân đạo, các doanh nghiệp của Akhmetov còn giúp sức cho quân đội Ukraine bằng cách sản xuất hơn 35.000 chướng ngại vật chống tăng.

Hải Anh (t/h)